Vĩnh Phúc: Phát triển khu công nghiệp sinh thái, thu hút các nhà đầu tư
Theo Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Vĩnh Phúc có 28 khu công nghiệp với diện tích 4.800ha và đến năm 2050 có 29 khu công nghiệp với diện tích hơn 5.500ha. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch. Đây là lợi thế để tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được xây dựng theo hướng sinh thái, trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau gần 30 năm tái lập tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 3.162ha. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, góp phần mở rộng và phát triển các đô thị như: Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Dương, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ phụ trợ như vận tải, logistics, nhà hàng khách sạn...
Nhờ phát triển các khu công nghiệp, tỉnh có bước chuyển mình ngoạn mục từ một địa phương nghèo phải nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương hằng năm, trở thành tỉnh có kinh tế phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn dẫn đầu cả nước trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái không chỉ đảm bảo tính bền vững về môi trường, mà còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu công nghiệp trong thu hút đầu tư FDI chất lượng cao.
Xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, động lực cho tăng trưởng, trong đó tập trung phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái để tạo lợi thế cạnh tranh, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ưu tiên quỹ đất sạch phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.

Hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc được đầu tư đồng bộ.
Đưa ra giải pháp tài chính xanh cho các khu công nghiệp phát triển bền vững, thu hút đầu tư chất lượng cao; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư mới, có công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường; phối hợp tổ chức diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh", qua đó quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh và thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng xanh, công nghệ xanh, giải pháp sản xuất sạch hơn.
Tận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, các nhà đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển các khu công nghiệp theo hướng sinh thái để giữ chân nhà đầu tư và thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn.
Các khu công nghiệp đã chú trọng phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Khu công nghiệp Bá Thiện II là hình mẫu khu công nghiệp của tỉnh đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ bởi vị trí địa lý mà còn ở sự đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, công nghệ và định hướng phát triển các dự án sản xuất công nghiệp xanh bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án Khu công nghiệp Bá Thiện II, Công ty Cổ phần Vina - CPK cho biết: Để thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, công ty tập trung đầu tư hạ tầng xanh; dành hơn 11% diện tích đất để trồng cây xanh (khoảng 15 nghìn cây), thảm cỏ, mặt nước và làm đường đi; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khói bụi ô nhiễm môi trường, phòng, chống cháy nổ theo chuẩn quốc tế. Qua đó đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.
Tháng 9/2024, Tập đoàn Polaris (Mỹ) đã tổ chức khánh thành nhà máy Polaris Việt Nam tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên); đây là nhà máy thứ 20 của tập đoàn trên toàn cầu và là nhà máy thứ 2 tại Vĩnh Phúc chuyên sản xuất các dòng xe máy phân khối lớn và cả động cơ xe máy phân khối lớn.
Được biết, Polaris là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe máy, ôtô, phương tiện giao thông và động cơ xe. Hiện nay, tập đoàn đang sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong đó nổi bật là hãng xe máy phân khối lớn Indian Motorcycles.
Đại diện tập đoàn cho biết: Trước khi triển khai dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc, tập đoàn đã tiến hành khảo sát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, sau đó mới chọn Khu công nghiệp Bá Thiện II để đầu tư, bởi Khu công nghiệp Bá Thiện II có nhiều cây xanh; hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện, đồng bộ giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam.
Nhờ vậy, sau gần một năm xây dựng, nhà máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần hoàn thành mục tiêu công suất 10 nghìn xe mô tô và 30 nghìn động cơ xe phân khối lớn/năm để xuất khẩu; đồng thời giải quyết việc làm hơn 600 lao động địa phương.
Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chất lượng, tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới; liên kết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, cung ứng công nghệ và giải pháp với các doanh nghiệp sản xuất để hình thành các khu công nghiệp mới, ứng dụng các giải pháp mới, công nghệ mới; khuyến khích xây dựng các khu công nghiệp mới theo mô hình xanh, sinh thái, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững, gìn giữ môi trường sống xanh.
Năm 2024, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 30 dự án DDI có tổng vốn đăng ký đạt hơn 5.303 tỷ đồng và 80 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đạt hơn 636 triệu USD (vượt gần 60% kế hoạch giao đầu năm).
Ngay từ tháng đầu năm 2025, tỉnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án trong nước (DDI). Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/01, toàn tỉnh thu hút được 3 dự án DDI gồm 1 dự án cấp mới, 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký 160,22 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2024. Khu vực FDI có 7 dự án được cấp phép, gồm 1 dự án mới, 6 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 25,52 triệu USD, bằng 36,74% so với cùng kỳ năm 2024.