Vĩnh Phúc: phát lệnh khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Lô
Trước tình trạng mưa, lũ làm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở bờ sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành chức năng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở.
Sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở bờ sông Lô
Thông tin từ UBND huyện Sông Lô cho biết, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 20/9, bờ sông Lô, tương ứng đoạn từ K0 + 650 đến K0 + 850 đê tả sông Lô thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu đã xảy ra sạt lở mạnh, diện tích sạt lở lớn với đường cung sạt lở có chiều dài khoảng 200m.
Khu vực xảy ra sạt lở có 7 hộ dân sinh sống với 44 nhân khẩu, trong đó 3 hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi. Vị trí sạt lở cách chân đê tả sông Lô khoảng 30m.
Diễn biến sạt lở không dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng (đến 18 giờ cùng ngày, cung sạt lở ăn sâu vào bãi sông trên 10m) tiến sát chỉ còn cách nhà dân chừng 3m, vị trí sạt lở liên tục tiến sâu chỉ còn cách mặt đê khoảng chừng 20m, có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả sông Lô.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các sở, ngành chức năng đã trực tiếp đến hiện trường ghi nhận mức độ nguy hiểm của sự cố, đồng thời xác định nguyên nhân và hướng khắc phục.
Qua kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng đã đánh giá nguyên nhân chính gây ra sự cố sạt lở mạnh như trên là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến mực nước sông Lô lên cao (báo động 2 vào hồi 19 giờ ngày 11/9). Khu vực bãi sông thuộc địa phận thôn Hồng Đường (xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô) bị ngập sâu trong nước khoảng từ 2-3m trong nhiều ngày, kết hợp với địa chất bãi sông chủ yếu là đất pha cát không có độ kết dính, khi lũ rút kéo theo khối (đất cát) sạt trượt ăn sâu vào bãi sông.
Về phạm vi ảnh hưởng của sự cố, các cơ quan chuyên môn xác định sự cố sạt lở đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả sông Lô - có nhiệm vụ bảo vệ cho một vùng rộng lớn thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch với diện tích bảo vệ khoảng 14.123 ha, dân số vùng bảo vệ 164.879 người; gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung hiện có ngoài bãi sông (địa phương đã phải sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm).
Khẩn cấp khắc phục sự cố
Từ thực tế trên, sau khi xem xét Tờ trình số 106/TTr-SNN&PTNT của Sở NN&PTNT, ngày 21/9, tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố Quyết định số 1367/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh về tình huống khẩn cấp về thiên tai và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả sông Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô.
Việc này nhằm khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo năng lực phòng lũ của tuyến đê tả sông Lô; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho cộng đồng dân cư vùng được bảo vệ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính và UBND huyện Sông Lô tham mưu, đề xuất phương án đảm bảo an toàn tuyến đê và tài sản, tính mạng của Nhân dân.
Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm chủ trì thẩm định, thỏa thuận về các nội dung liên quan đến quy mô, giải pháp kỹ thuật trong khắc phục sự cố, để đảm bảo việc triển khai được an toàn, tiết kiệm.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND huyện Sông Lô cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn chặn người và phương tiện đi vào vùng sạt lở, sơ tán khẩn cấp người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Lập chốt và tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ tại vị trí xảy ra sự cố cho đến khi xử lý xong các giải pháp khắc phục. Tổ chức phân luồng giao thông, tuyệt đối cấm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê.
Cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể Nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả sông Lô.