Vĩnh Phúc: Nhiều mô hình hay trong học tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Hơn 3 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực. Một trong những kết quả nổi bật, là minh chứng sinh động trong việc học tập và làm theo Bác của tỉnh là việc xây dựng các mô hình, điển hình, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Xây dựng và lan tỏa mô hình, điển hình
Trong rất nhiều nhiệm vụ đặt ra nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc xác định chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình là một nội dung quan trọng. Thông qua đó nhằm lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”, vừa góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “xây”, vừa để thực hiện nhiệm vụ “chống”.
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTGTU ngày 1/2/2021 về xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng, nhân rộng điển hình tiêu biểu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; khuyến khích cách làm hay, sáng tạo.
Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đã chỉ ra mục tiêu cần tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhận thức cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 8/4/2022 về xây dựng điểm và nhân rộng các mô hình, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 và những năm tiếp theo.
Vinh dự và tự hào là một trong những địa phương được Bác Hồ về thăm, cán bộ, đảng viên phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để phục vụ nhân dân tốt hơn. Từ đó, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Từ việc học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên của phường đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng; tiên phong, gương mẫu, hăng hái trong các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương; gần dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lập Thạch luôn đoàn kết phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên, góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Theo CCB Diệp Văn Quý ở thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn (Lập Thạch), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (năm 1993) trở về địa phương, tôi đã bôn ba với đủ nghề xong cái nghèo vẫn luôn đeo bám.
Phát huy tinh thần, phẩm chất vượt khó của người lính Cụ Hồ, năm 2013, nhận thấy nghề sản xuất gỗ bóc đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn của bạn bè, người thân, đầu tư xây dựng xưởng sản xuất gỗ bóc với diện tích khoảng 10.000 m2. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản phẩm có chất lượng, giá tốt, đến nay, xưởng sản xuất không chỉ được mở rộng quy mô, đầu tư thêm một số loại máy móc hiện đại mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình tôi và phát triển KT - XH trên địa bàn. Hiện nay, xưởng sản xuất gỗ bóc của CCB Diệp Văn Quý đang tạo việc làm cho 15 lao động là hội viên CCB, cựu quân nhân và con em hội viên CCB trên địa bàn, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, CCB Phan Văn Chí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu quân nhân (CQN) làm kinh tế giỏi xã Vân Trục đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo hơn 3 ha đất đồi khô cằn, đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm. Đến nay, cây thanh long ruột đỏ đã giúp nhiều người dân trên địa bàn xã Vân Trục thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ trên những diện tích đất đồi canh tác kém hiệu quả. Thanh long ruột đỏ hiện nay không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hàng chục lần so với trồng cây sắn, bạch đàn mà trở thành cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện Lập Thạch, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lập Thạch Trần Anh Tuấn cho biết: Nét nổi bật trong phát triển kinh tế tại các gia đình hội viên CCB trên địa bàn huyện là dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới tư duy kinh tế, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, phù hợp với từng địa phương. Tiêu biểu như phong trào trồng cây thanh long trên đất Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Quang Sơn; mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa của hội viên CCB xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Thái Hòa…
Ngoài ra, hội viên CCB xã Triệu Đề, Văn Quán còn phát triển làng nghề mây tre đan, gia công đệm mút... Nhờ đó, đời sống, thu nhập của hội viên CCB trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo CCB trong huyện là 4,16% thì đến năm 2023 giảm còn 0,82%, nhiều xã không còn hộ hội viên CCB nghèo như xã Triệu Đề, Liễn Sơn, Đồng Ích.
Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, hội viên CCB huyện Lập Thạch đã hiến 99.650 m2 đất, đóng góp 18.600 ngày công, tham gia xây dựng 14km hệ thống cống rãnh thoát nước thải...Trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM), Hội CCB huyện đã phát động phong trào “CCB chung tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và Hội cơ sở rà soát, kiểm định, lập hồ sơ hỗ trợ xây mới nhà kiên cố cho 1 hộ dân có khó khăn về nhà ở tại LVHKM Hoàng Chung, xã Đồng Ích.
Hiện nay, 3 LVHKM trên toàn huyện có 15 mô hình CCB làm kinh tế. Trong đó, 10 mô hình sản xuất, 5 mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phát huy kết quả đạt được, Hội CCB huyện Lập Thạch tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Đồng thời duy trì phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” nâng cao đời sống, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của CCB, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo xuống còn dưới 0,1%.
Lan tỏa mô hình học tập và làm theo lời Bác
Theo Thượng tá Trần Việt Hưng, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Tam Dương, để phong trào thi đua quyết thắng (TĐQT) đạt hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tam Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Từ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, có sức lan tỏa và được cấp ủy, chỉ huy đơn vị phổ biến, nhân rộng như mô hình “Tự soi, tự sửa”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”...Nhờ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của LLVT huyện trong những năm qua đã đi vào chiều sâu và trở thành ý thức, hành động tự giác đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và đảng viên.
Tại huyện Bình Xuyên, qua hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Bình Xuyên dần đi vào thực chất, có chiều sâu; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiêu biểu như mô hình “Chi hội khuyến học làm theo lời Bác” của Chi hội khuyến học tổ dân phố Đồng Sậu, thị trấn Hương Canh. Qua 20 năm hoạt động và phát triển, Chi hội khuyến học tổ dân phố Đồng Sậu luôn phát huy vai trò tích cực trong thực hiện có hiệu quả phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Ban Chấp hành chi hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, từ đó tạo được sức lan tỏa, tập hợp và thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Hằng năm, Ban Chấp hành chi hội đã phối hợp với các đoàn thể, tổ liên gia tích cực vận động nhân dân và các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ Quỹ Khuyến học (với kinh phí trung bình 5-6 triệu đồng/năm) để khen thưởng, động viên các em học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Từ năm 2004 đến nay, tổ dân phố Đồng Sậu đã có 15 học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện, có 769 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến, 138 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…
Những năm qua, Trường Mầm non xã Trung Mỹ luôn được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thông qua việc triển khai có hiệu quả mô hình “Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non”.
Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Bình Xuyên đã xây dựng được hơn 300 mô hình, điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có 106 tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc được Trung ương, tỉnh và huyện khen thưởng.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ cho biết, chỉ trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được tổng số gần 2.000 mô hình, điển hình; trong đó, nhiều mô hình, điển hình có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, cũng như tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi.
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác đã được biểu dương, khen thưởng. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 173 tập thể, cá nhân được Trung ương và tỉnh tặng Bằng khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 7 mô hình, điển hình được Bảo tàng Hồ Chí Minh lựa chọn giới thiệu tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” vào các dịp kỷ niệm sinh nhật Bác.