Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển đô thị

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, hiện đại và là thành phố trực thuộc Trung ương, ngay những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị và coi công tác này phải đi trước một bước, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển.

Một góc đô thị Vĩnh Yên.

Một góc đô thị Vĩnh Yên.

Trên nền tảng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03, giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh đã nâng cấp thành phố Vĩnh Yên thành đô thị loại II; thị xã Phúc Yên thành đô thị loại III; nâng cấp 12 thị trấn thành đô thị loại V và công nhận phân loại 10 đô thị mới loại V. Giai đoạn 2016 - 2021, công nhận phân loại 8 đô thị loại V, nâng tổng số đô thị của giai đoạn này lên 32 đô thị, vượt 22 đô thị so với mục tiêu nghị quyết đề ra; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%, cao hơn mức bình quân cả nước. Giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng và 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, chỉ đạo lập Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần 2), Đề án chỉnh trang đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện phủ kín quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch phân khu nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Hạ tầng khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được hoàn thiện, hình thành theo quy hoạch. Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã quy hoạch 3 đồ án vùng, 21 đồ án quy hoạch chung, 23 đồ án quy hoạch phân khu, 273 đồ án quy hoạch chi tiết.

Đặc biệt, để phù hợp với giai đoạn phát triển mới và triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị liên quan đang tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc sẽ có 28 đô thị; các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt đô thị loại IV; các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch đạt đô thị loại V và có 23 xã, thị trấn đạt đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 55%. Giai đoạn 2026 - 2030, có 26 đô thị, trong đó có thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên duy trì tiêu chí đô thị loại II; 5 huyện là Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương đạt đô thị loại IV và 19 xã, thị trấn đạt đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%.

Công tác lập quy hoạch ở Vĩnh Phúc được triển khai và hoàn thiện sớm so với nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có không ít khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ lập, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng một số quy hoạch còn chậm, chưa đề xuất được ý tưởng sáng tạo, chưa có tính độc lập; quy hoạch còn thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở xã hội tăng nhưng khả năng đáp ứng nhà ở xã hội khu vực đô thị còn ít. Cụ thể, hiện cả tỉnh có 13 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích 65,4ha; 16 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nhưng đến nay mới chỉ 5 dự án được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với hơn 1.600 căn…

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị văn minh và là thành phố trực thuộc Trung ương, Vĩnh Phúc sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh thành mạng lưới tập trung, đa cực và chuỗi, lấy thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm các dự án được triển khai theo đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế. Tăng cường đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT.

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quy-hoach-phat-trien-do-thi-379504.html
Zalo