Vĩnh Phúc khẩn trương ứng phó cơn bão số 3
Hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có mưa to và rất to, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Mưa to và gió mạnh tại huyện Yên Lạc làm tốc mái 4 nhà dân và 1 trường học; gãy đổ 127 cây xanh, 13 cột điện; 345ha lúa bị đổ.
Tại thành phố Vĩnh Yên có gần 200 cây xanh bị gãy, đổ; 2 xe ô-tô và 9 trạm biến áp bị cây đè; 128m tường rào bị đổ; 220m mái tôn của 4 hộ gia đình bị tốc mái; 2 cột điện bị gãy, đổ...
Những ngày qua, lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra các công trình đê, đập thủy lợi, các công trình xây dựng, cầu cống; nhắc nhở các cơ quan, đơn vị ứng trực, sẵn sàng xử lý sự cố trước và trong khi cơn bão số 3 đổ bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc ứng trực tại Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức-Yên Phương, huyện Yên Lạc.
Đơn vị quản lý Trạm bơm tiêu báo cáo đã phân công lực lượng ứng trực, kiểm tra kỹ hệ thống máy bơm, thiết bị vận hành, sẵn sàng đưa trạm bơm đi vào hoạt động khi có mưa lớn. Đơn vị quản lý cống Gềnh Đá tập trung lực lượng vận hành cống khi có tình huống xảy ra, có phương án bảo đảm an toàn khu vực vận hành cống.
Tại huyện Tam Đảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra thực tế tại hồ Xạ Hương, xã Minh Quang; yêu cầu Công ty Thủy lợi Tam Đảo phân công lực lượng ứng trực, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình cơn bão; thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập do công ty quản lý.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quán triệt nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3; theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất với diễn biến bất thường của cơn bão.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông cùng các sở, ngành kiểm tra thực trạng tuyến đê Sáu Vó trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên; kiểm tra kế hoạch xử lý ngập úng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, nhất là 18 vị trí có nguy cơ lớn ngập lụt.
Đồng chí Trần Duy Đông đề nghị thành phố Vĩnh Yên tổ chức trực 24/24 giờ; phối hợp với các đơn vị liên quan trong phòng chống úng, ngập úng trên địa bàn thành phố; rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh, hệ thống điện, nắp cống thoát nước để có phương án cắt tỉa, gia cố nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đình hoãn các cuộc họp không cấp bách, tập trung thực hiện nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; yêu cầu các đơn vị phải tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó với bão; thực hiện nghiêm công tác trực ban 24/24 giờ, kịp thời thông tin diễn biến bão, lũ để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhanh chóng ứng phó.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra một số tuyến đê xung yếu, các hồ đập thủy lợi, yêu cầu các đơn vị quản lý khơi thông dòng chảy; tháo dỡ các vật cản gây mất an toàn hồ chứa, bảo đảm khả năng thoát lũ; đồng thời chuẩn bị phương án ứng cứu, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho hồ chứa; chỉ đạo các huyện tăng cường kiểm tra đồng ruộng, cập nhật tình hình ngập úng, kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo các huyện, thành phố xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khu vực dân cư ven đồi, núi, sông, suối trên địa bàn; kiên quyết yêu cầu người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, dễ sạt lở đất sơ tán đến nơi an toàn, không để xảy ra sự cố bất ngờ.