Vĩnh Phúc: Độc đáo kiến trúc nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

Nhà thờ tổ họ Bùi tọa lạc tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam với diện tích 35.000m2, tổng kinh phí xây dựng lên tới 208 tỷ đồng.

Phối cảnh khu nhà thờ tổ họ Bùi tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên.

Phối cảnh khu nhà thờ tổ họ Bùi tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên.

Được biết, trong hơn 40.000 người họ Bùi tham gia đóng góp, trong đó doanh nhân Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch FPT) đóng góp nhiều nhất hơn 184 tỷ đồng, ông Bùi Xuân Trường (Ninh Bình) hơn 8,68 tỷ đồng, ông Bùi Mạnh Lân (Bình Dương) hơn 3,72 tỷ đồng, doanh nhân Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch HĐQT Novaland) đóng góp 1,5 tỷ đồng và ông Bùi Quyết Chiến (Vĩnh Phúc) đóng góp 1,15 tỷ đồng.

Công trình có kiến trúc 2 tầng với vật liệu chủ yếu là đá và gỗ.

Công trình có kiến trúc 2 tầng với vật liệu chủ yếu là đá và gỗ.

Công trình được xây dựng nhằm mục đích thờ tổ tiên và làm nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh cho con cháu họ Bùi trên khắp cả nước. Với ý nghĩa tâm linh sâu sắc, nhà thờ tổ họ Bùi được xây dựng trên khu đất có vị trí phong thủy đẹp, "lưng tựa núi, mặt nhìn sông". Khuôn viên chính rộng 5.000m2, khu vườn phía sau cũng rộng 5.000m2, phần diện tích còn lại 25.000m2 chưa được khai thác. Đây là khu đất do gia đình ông Bùi Quang Ngọc cung tiến cho dòng họ.

Trên không gian thờ tầng 2 trưng bày các hiện vật giới thiệu lịch sử dòng họ Bùi.

Trên không gian thờ tầng 2 trưng bày các hiện vật giới thiệu lịch sử dòng họ Bùi.

Theo Ban Quản lý nhà thờ tổ họ Bùi: Không gian chính của nhà thờ tổ bố trí ở tầng 2. Tầng 2 được chia làm 7 gian thờ tự. Khu vực này có tổng cộng 42 chiếc cột gỗ, trong đó 1 cột bằng gỗ trắc, 41 cột còn lại hoàn toàn bằng gỗ lim, cao gần 10m. Bức hoành phi, câu đối, cửa võng... được sơn son thếp vàng. Các vách gỗ không làm theo cách thông thường mà làm thành các bức chạm tuyệt đẹp giới thiệu về truyền thống và những danh nhân họ Bùi đã góp công sức xây dựng đất nước từ hàng ngàn năm qua.

Toàn bộ rui mè, kèo, cột cho đến khung cửa, cánh cửa thưng, vách, các chi tiết khác được sử dụng gỗ lim quý hiếm nhập từ nước ngoài. Trong đó, những thớ gỗ lim quý hiếm, to dài, nặng hơn 1 tấn được dùng toàn bộ cho không gian nhà từ đường chính. Các chi tiết họa tiết hoa văn được các nghệ nhân bậc nhất chạm khắc từ gỗ lim quý rất tinh xảo, đạt độ thẩm mỹ cao. Họa tiết đầu rồng ở các cột. Ngay các bức tường bên ngoài cổng đã được trang trí cầu kỳ bằng tranh sứ màu. Phía bên phải cổng vào là hàng loạt bức tranh mô tả các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như: Hồ Gươm, cầu Thê Húc, phố cổ Hà Nội, Hội An, chợ Bến Thành. Bên trái là tập tranh dân gian với chủ đề như vinh quy bái tổ, cá chép hóa rồng… thể hiện sự uy nghi, sức mạnh và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Không gian chính còn được trang trí bằng 34 bức phù điêu về các danh nhân, danh tướng họ Bùi tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử.

Không gian chính còn được trang trí bằng 34 bức phù điêu về các danh nhân, danh tướng họ Bùi tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử.

Khuôn viên sân chính của nhà thờ có thể chứa được 800 - 1.000 người. Một hòn non bộ lớn được đặt ngay sau cổng vào, được làm bằng đá Ninh Bình. Hai bên là 2 nhà bia, trong đó 1 bia dành riêng để ghi danh những thành viên công đức với số tiền tương đối lớn.

Khuôn viên nhà thờ chính rộng 900m2. Phần hội trường ở tầng 1 rộng 600m2, có sức chứa 500 người. Riêng không gian tầng 1 đã trưng bày rất nhiều tranh kính. Tại đây cũng đặt một mô hình sa địa thu nhỏ, chất liệu sứ dát vàng, được thực hiện trong 9 tháng.

Mô hình nhà thờ bằng sứ được nghệ nhân họ Bùi cung tiến cho dòng họ được trưng bày tại Hội trường sinh hoạt chung.

Mô hình nhà thờ bằng sứ được nghệ nhân họ Bùi cung tiến cho dòng họ được trưng bày tại Hội trường sinh hoạt chung.

Hai bên nhà thờ chính là nhà tả vu và hữu vu, mỗi nhà rộng 277m2. Nhà tả vu tôn vinh các nhân vật họ Bùi nổi bật từ thời phong kiến đến hiện đại, còn nhà hữu vu dùng làm nơi đón khách đến tham quan và tìm hiểu. Ngoài ra, nhà thờ còn có 4 nhà bia ghi lại lịch sử dòng họ: Văn bia nhà thờ, bia công đức, bia tiến sĩ họ Bùi, và bia Võ tướng - Đại thân - Danh nhân họ Bùi.

Các vật phẩm trong nhà thờ vô cùng quý giá và được chế tác tỉ mỉ. Khu vực thờ tự chính sở hữu đôi lục bình cao hơn 3m trị giá 1,8 tỷ đồng, do một nghệ nhân họ Bùi ở Hải Phòng chế tác, được coi là một trong những đôi lục bình cao nhất Việt Nam. Không gian thờ tự còn được trang trí với 34 bức phù điêu mô tả các danh nhân, tướng lĩnh, cùng phong tục, tập quán và văn hóa Việt Nam.

Nhà thờ có một bức tường bình phong để chắn hậu, ghi những lời vàng thước ngọc cho con cháu họ Bùi.

Nhà thờ có một bức tường bình phong để chắn hậu, ghi những lời vàng thước ngọc cho con cháu họ Bùi.

Phía sau nhà thờ chính là khu vườn danh nhân. Trung tâm vườn có xây dựng các bia đá khắc tên tưởng nhớ công ơn của các danh tướng, danh nhân họ Bùi đỗ khoa bảng, trạng nguyên, tiến sĩ... từ thời phong kiến. Ngoài ra, ba tượng thiếu nữ tượng trưng ba miền Bắc - Trung - Nam thể hiện tình đoàn kết dân tộc.

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-doc-dao-kien-truc-nha-tho-to-ho-bui-viet-nam-384729.html
Zalo