Vĩnh Phúc chấm dứt hoạt động đối với 4 dự án nhà ở xã hội
Do khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu thị trường, vướng mắc pháp lý trong việc bán sản phẩm... nên tại Vĩnh Phúc đã có 4 dự án nhà ở xã hội phải chấm dứt hoạt động.
4 dự án nhà ở xã hội phải chấm dứt hoạt động
Thông tin tại cuộc họp giao ban công tác báo chí tháng 11/2024, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 6 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với 2.082 căn nhà ở xã hội.
“Thời gian qua, do khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu thị trường, vướng mắc pháp lý trong việc bán sản phẩm... nên tại Vĩnh Phúc cũng đã có 4 dự án nhà ở xã hội phải chấm dứt hoạt động: Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức; Khu nhà ở xã hội tại xã Bá Hiến - Bình Xuyên; Khu nhà ở thu nhập thấp phường Đồng Xuân của Công ty TNHH Sản xuất TM&DV Đại Phát; Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town của Công ty TNHH Fuchuan” – ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết.
Bên cạnh đó, hiện Vĩnh Phúc có 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng với quy mô sử dụng đất 65,19ha, tổng số khoảng 9.500 căn nhà.
Mỗi tháng tỉnh Vĩnh Phúc phải hoàn thành 245 căn nhà ở xã hội
Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Vĩnh Phúc phải hoàn thành 28.300 căn nhà ở xã hội.
Mục tiêu trong Đề án nói trên là rất cao, trách nhiệm rất nặng nề cho tỉnh Vĩnh Phúc vì nguồn lực đầu tư cho nhà ở xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp.
Trong khi đó, quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội có nhiều vướng mắc. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải xác định giá đất để được miễn. Giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội phải được cơ quan Nhà nước thẩm định gây kéo dài thời gian; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư còn chưa hấp dẫn (lợi nhuận định mức không quá 10% với nhà để bán, 15% với nhà để mua); bắt buộc phải dành 20% diện tích sàn nhà ở để cho thuê (sau 5 năm mới được bán) mà thực tế nhu cầu thuê thấp dẫn đến khó thu hồi vốn cho chủ đầu tư… Các vướng mắc này, gần đây mới được tháo gỡ.
Để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần có hành lang pháp lý, quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội rõ ràng minh bạch, phù hợp với các quy định của Nhà nước, nhưng phải tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư.
Cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cần phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của từng địa phương với mục tiêu cung cấp đất đai, mặt bằng cho nhà đầu tư nhanh chóng, minh bạch, và an toàn.