Vĩnh Ô - Từ vùng đất của hủ tục đến nếp nghĩ mới, cách làm mới
Là xã miền núi nơi thượng nguồn sông Bến Hải (Quảng Trị), Vĩnh Ô từng là 'ốc đảo' heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi cái nghèo, sự lạc hậu và những hủ tục như ăn sâu bén rễ vào từng nếp nhà, từng nếp nghĩ của người dân bản địa. 97% dân số là đồng bào Vân Kiều, những con người hiền lành nhưng bao đời sống biệt lập, quen với đường đất, cầu tre, với cuộc sống khép kín và nhiều giới hạn. Ở đó, trẻ em từng bỏ học giữa chừng, phụ nữ sinh con khi chưa kịp lớn khôn…
Thế nhưng, vùng đất tưởng chừng bị lãng quên ấy hiện đã bừng thức. Cùng với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được Nhà nước quan tâm triển khai, từ năm 2022, Dự án 8 - “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, được khởi động như một luồng sinh khí mới. Từng bước đi, từng nỗ lực bền bỉ, sự đồng hành kiên trì của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) từ huyện đến xã đã thắp lên ngọn lửa đổi thay trong lòng người Vân Kiều nơi đây.

Nam giới ở Vĩnh Ô tham gia chia sẻ công việc với phụ nữ.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN huyện Vĩnh Linh và chính quyền xã, hiện Dự án 8 đã bao phủ toàn bộ 7/7 thôn của xã Vĩnh Ô. Từng tiêu chí, từng hoạt động được tổ chức bài bản và thực chất: 7 mô hình tổ truyền thông cộng đồng được thành lập - 7 “địa chỉ tin cậy” được ra mắt, không chỉ là những cái tên để báo cáo, mà đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin và sẻ chia của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Không dừng lại ở việc thành lập mô hình, các cấp hội còn tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành viên trực tiếp tham gia. Đặc biệt, mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đã tạo ra một không gian để những mầm non Vân Kiều học cách tự tin, chia sẻ và dẫn dắt bạn bè, người thân đến với tri thức và những giá trị tiến bộ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ô, bà Hồ Thị Thu, chia sẻ: “Từ khi triển khai Dự án 8, ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hủ tục như tảo hôn, bạo lực gia đình từng bước bị đẩy lùi. Nhiều phụ nữ không còn cam chịu mà đã chủ động học nghề, làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình mình”.
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của hội viên phụ nữ xã Vĩnh Ô đạt 37 triệu đồng/người/năm. Số hộ hội viên phụ nữ thuộc diện nghèo giảm còn 10 hộ. Quan trọng hơn, điều đang nảy nở nơi đây không chỉ là thu nhập, mà là niềm tin và nội lực, người dân đã bắt đầu nói về bình đẳng giới, về quyền lựa chọn của con gái, về tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.
Từ một vùng đất khép kín với những rào cản vô hình, Vĩnh Ô đang vươn mình, từng bước trở thành xã nông thôn mới. Không phải bằng những con số hào nhoáng, mà bằng chính sự thức tỉnh từ bên trong – từ thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, từ những con người từng chịu đựng nay đã biết lên tiếng, biết mơ ước và bắt đầu hành động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.