Vĩnh Long: Sẵn sàng đón khách dịp Tết dương lịch

Để đón khách du lịch dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cùng với xây dựng dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn.

Khách đến tham quan tại Khu du lịch Bến Thành - Vinh Sang (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Khách đến tham quan tại Khu du lịch Bến Thành - Vinh Sang (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Dịp nghỉ lễ năm nay, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy các thế mạnh đặc trưng sông nước miệt vườn, đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là tăng trải nghiệm để thu hút du khách.

Bốn xã cù lao của huyện Long Hồ (Hòa Ninh, Đồng Phú, An Bình và Bình Hòa Phước) được xem là điểm đến quen thuộc của du khách với nhiều homestay đạt chuẩn ASEAN, cùng các khu, điểm du lịch, vườn trái cây. Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh khai thác hiệu quả Bến cảng hành khách, tạo sự kết nối để du khách vừa dễ dàng đến với các điểm du lịch này, vừa có thêm trải nghiệm du lịch vùng sông nước.

Là một điểm du lịch có phong cách đặc trưng với thiết kế từ hơn 4.000 cây dừa lão được sử dụng từ rễ, gốc, gỗ, vỏ bìa, lá, chà, nang, trái…, Nhà dừa CocoHome (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) đã được công nhận là Nhà dừa Việt Nam và là điểm đến hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến với cơ sở du lịch này, du khách sẽ được tham quan một gian nhà xưa cùng các tiểu cảnh được thiết kế bằng dừa.

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm tự tay làm các món bánh dân gian, thưởng thức các món ăn đặc trưng chế biến từ nguyên liệu là dừa. Bà Nguyễn Ngọc Giác (Nhà dừa CocoHome) cho biết: “Mỗi dịp lễ, Tết cơ sở đều phải sáng tạo ra những tiểu cảnh, không gian khác nhau thu hút du khách. Các tiểu cảnh này đều phải từ dừa.

Ngoài ra, cơ sở cũng tìm tòi để làm đa dạng các món ẩm thực mới, gắn với đặc trưng của nhà dừa. Hàng tuần vào thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, tại đây thường tổ chức hoạt động trải nghiệm làm bánh dân gian để du khách cùng tự tay làm các loại bánh lá, bánh ít trần, bánh bò, bánh bèo... Nhà dừa CocoHome mong muốn mang những nét đơn sơ, mộc mạc của cây dừa đến với du khách, lưu giữ một nét đẹp của Nam Bộ ngày xưa”.

Khu du lịch Bến Thành - Vinh Sang (xã An Bình, huyện Long Hồ) cũng là một trong những điểm đến quen thuộc với du khách khi đến tỉnh Vĩnh Long. Phó Giám đốc Khu du lịch Bến Thành - Vinh Sang Huỳnh Thế Cường cho biết, dịp Tết năm nay cơ sở đã sớm chuẩn bị, chỉnh trang khuôn viên sẵn sàng đón khách. Cơ sở tiếp tục thay đổi các tiểu cảnh, trang trí thêm nhiều hoa để làm nổi bật quang cảnh khu du lịch.

Đặc biệt, cơ sở xây dựng chương trình kích cầu du lịch trong dịp Tết như combo trò chơi trọn gói với ưu đãi miễn phí tham quan và tiết kiệm hơn so với mua vé lẻ từng dịch vụ, miễn phí 100% các dịch vụ vui chơi, ăn uống, lưu trú cho gia đình của du khách thứ 1.000 và 5.000. Ngoài ra, cơ sở có chương trình liên kết với các chủ vườn để đưa khách đi tham quan vườn trái cây để trải nghiệm các dịch vụ tát ao bắt cá, hái trái cây tại vườn.

Bên cạnh các điểm đến quen thuộc ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ, những năm gần đây, các điểm du lịch ở ven sông Hậu thuộc các huyện Trà Ôn, Tam Bình cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khu Du lịch Chợ nổi Trà Ôn (huyện Trà Ôn) với diện tích rộng hơn 3ha nằm bên bờ sông Trà Ôn đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện để thu hút du khách đến tham quan nhằm khơi gợi ký ức về chợ nổi Trà Ôn một thời mua bán tấp nập.

Ông Trần Minh Vẹn, Chủ khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn cho biết, cơ sở đã xây dựng thêm một số tiểu cảnh, cải tạo bãi tắm, đồng thời thiết kế khu tái hiện chợ nổi sung túc hơn. Đến đây dịp Tết này, du khách được trở lại với không gian chợ nổi trên sông, thưởng thức các loại bánh dân gian, các món ăn của miền Tây sông nước cùng trải nghiệm nhiều trò chơi như: tham quan mê cung, bãi tắm, đi cầu treo…

Nằm cách khu du lịch chợ nổi Trà Ôn chỉ một chuyến phà, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cũng được nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Đến làng nghề những ngày cận Tết, du khách sẽ cảm nhận được không khí lao động hối hả của người dân nơi đây. Trong nhà các bếp lò đỏ lửa, ngoài sân chen đầy các giàn phơi bánh tráng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước thường liên hệ để đến tham quan và tìm hiểu về làng nghề. Chúng tôi giới thiệu với họ cách làm bánh, phơi bánh. Du khách được tận tay trải nghiệm đều rất thích thú, hẹn năm sau quay lại. Được du khách gần xa biết đến cùng tìm hiểu và quảng bá về làng nghề truyền thống của quê hương nên chúng tôi rất vui và sẵn sàng chào đón”.

Khách đến tham quan Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Khách đến tham quan Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu lượt khách du lịch. Với mục tiêu đề ra, ngành du lịch đang tập trung khảo sát, nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chỉnh trang, chuẩn bị đón khách. Ngành du lịch đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn hưởng ứng tham gia chương trình kích cầu du lịch với chủ đề: “Du lịch Vĩnh Long - Điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện”.

Theo đó, trong Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch, đồng thời xây dựng các sản phẩm mới, xây dựng gói kích cầu hấp dẫn về giá cả, đa dạng về chương trình khuyến mãi. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đề nghị các cơ sở du lịch cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt tàu thuyền vận chuyển khách du lịch phải được kiểm tra thường xuyên và đảm bảo trang bị đầy đủ các phao cứu hộ, cứu sinh theo quy định, đảm bảo an toàn cho du khách.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/vinh-long-san-sang-don-khach-dip-tet-duong-lich-20241231082321280.htm
Zalo