Vĩnh Linh nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

Trước sự phát triển của thị trường, quá trình hoạt động, phần lớn các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Vĩnh Linh đều phải đối mặt với không ít khó khăn chung. Để các HTX duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã tích cực hỗ trợ HTX trong chủ động đổi mới phương thức, mô hình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

Các thành viên Hợp tác xã Thủy Ba Tây tham gia trồng rừng gỗ lớn FSC -Ảnh: N.Đ

Các thành viên Hợp tác xã Thủy Ba Tây tham gia trồng rừng gỗ lớn FSC -Ảnh: N.Đ

Nhìn chung khó khăn của các HTX nông nghiệp tại huyện Vĩnh Linh là quy mô nhỏ, thiếu vốn, năng lực nội tại còn yếu, đội ngũ cán bộ có phần hạn chế về trình độ quản lý. Sản xuất của hộ nông dân ở nhiều nơi còn mang tính tự cấp, tự túc, do đó nhu cầu hợp tác chưa cao. Đa số các HTX chỉ tập trung nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất và cung ứng dịch vụ đầu vào như: giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng, còn các dịch vụ quan trọng gồm: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu tư, dẫn đến thiếu động lực phát triển HTX.

Xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, huyện Vĩnh Linh tích cực tuyên truyền nhằm tạo bước chuyển biến nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể. Đặc biệt các HTX cần phải đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu dịch vụ để thu hút thành viên tham gia. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương, các cấp, ngành tăng cường triển khai nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Hữu Quyết cho biết: “Huyện ủy Vĩnh Linh đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/HU ngày 31/1/2023 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 (Nghị quyết số 20) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; UBND huyện có văn bản số 210/UBND-NN ngày 22/2/2023 về việc triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20. Theo đó, thời gian qua, Vĩnh Linh tập trung vào nhóm giải pháp, những chính sách cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển HTX; củng cố vai trò ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể các cấp.

Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX có chuyên môn, năng lực tổ chức. Tạo thuận lợi cho tổ chức kinh tế tập thể vay vốn quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm tăng nguồn vốn phục vụ hoạt động. Mặt khác, sắp xếp lại, sáp nhập HTX quy mô nhỏ cùng chung loại hình, lĩnh vực. Hỗ trợ phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị...”.

Phát huy nội lực của mỗi HTX cùng sự tăng cường chỉ đạo đối với nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế tập thể từ các cấp, địa phương, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có thêm điều kiện phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Hiện Vĩnh Linh có 77 HTX; theo đánh giá có 57 HTX hoạt động tốt, khá, chiếm gần 75%; số HTX hoạt động trung bình, yếu, chưa đánh giá vì thành lập dưới 1 năm chiếm hơn 25%.

Điển hình HTX nông nghiệp chuyển đổi hiệu quả tại huyện Vĩnh Linh như HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy. HTX Thủy Ba Tây là 1 trong 5 HTX của tỉnh Quảng Trị được tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”.

Ngoài cung ứng tốt 9 khâu dịch vụ cơ bản, HTX Thủy Ba Tây nắm bắt hướng đi mới, chuyển đổi sản xuất, ứng dụng khoa học, tiên phong hình thành nhiều vùng canh tác tập trung mang lại hiệu quả, từ vùng lúa chất lượng cao; gạo ngon nhất thế giới đến rừng gỗ lớn FSC... Đến nay đơn vị có diện tích trồng lúa 120 ha; 155 ha rừng; 325 ha cao su tiểu điền; 60 ha cây công nghiệp; 18 ha nuôi trồng thủy sản... HTX có tổng nguồn vốn trên 5,5 tỉ đồng, doanh thu đạt khoảng 5 tỉ đồng/ năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Trước đây, như hầu hết các HTX, HTX Thủy Ba Tây chủ yếu duy trì những dịch vụ sẵn có. Nhưng trước yêu cầu của thị trường, xác định muốn phát triển bền vững phải tự đổi mới nên HTX đã tổ chức lại bộ máy quản lý; xây dựng lộ trình, phương án sản xuất, kinh doanh để thu hút, đẩy mạnh dịch vụ tín dụng nội bộ tạo nguồn vốn đầu tư.

Linh hoạt quay vòng nguồn vốn; bổ sung cơ sở hạ tầng; phát động nhiều phong trào thi đua giữa 5 đội sản xuất. Đặc biệt chú trọng liên doanh, liên kết trong cung cấp dịch vụ và đảm bảo thị trường cho hàng hóa sản xuất ra, tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích...”.

Đa dạng hóa dịch vụ, ngành nghề, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh sản xuất hiệu quả nên HTX nhận được sự ủng hộ từ các thành viên. Chị Lê Thị Tuyết, thành viên HTX Thủy Ba Tây chia sẻ: “HTX chúng tôi hiện có trên 300 thành viên. HTX làm ăn hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận tăng theo năm đã góp phần tăng thu nhập thành viên đạt 57 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi yên tâm gắn bó, cùng phát triển kinh tế tập thể và cũng để tăng thu nhập cho hộ gia đình”.

Thời gian tới, Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống HTX, đặt mục tiêu đến năm 2030, có 85 - 90 HTX; không còn HTX tồn tại hình thức, hoạt động yếu kém kéo dài; ít nhất 50% HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó phát triển kinh tế tập thể theo hướng hiệu quả bền vững hơn, thúc đẩy nông nghiệp địa phương ngày càng tăng trưởng.

Nguyên Đồng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vinh-linh-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-hop-tac-xa-nong-nghiep-189031.htm
Zalo