Vinh dự, tự hào khi là 'Bộ đội Cụ Hồ'

Với những người đã và đang phục vụ trong các đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, việc trở thành người chiến sĩ luôn là niềm vinh dự và tự hào lớn lao. Niềm vinh dự, tự hào ấy luôn được nhân lên khi gắn liền với danh hiệu: 'Bộ đội Cụ Hồ'.

Tên gọi thân thương, trìu mến

Ngay từ khi được thành lập ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ đầu tiên, quân đội ta đã mang bản chất của giai cấp công nhân. Bản chất này được thể hiện đậm nét bằng 10 lời thề danh dự; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

 “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” được thành lập ngày 22.12.1944 là tên gọi đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh. Ảnh TL

“Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” được thành lập ngày 22.12.1944 là tên gọi đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh. Ảnh TL

“Bộ đội Cụ Hồ” là một tên gọi thân thương, trìu mến, gửi gắm tất cả niềm tin, niềm tự hào của nhân dân vào quân đội. Cách gọi rất Việt Nam ấy làm cho các chiến sĩ luôn gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân và thể hiện rõ bản chất giai cấp công nhân của quân đội. “Bộ đội Cụ Hồ” là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, cụm từ “Bộ đội Cụ Hồ” đã xuất hiện ở đất nước Việt Nam chúng ta. Vào thời điểm ấy, đồng bào ở Chiến khu Việt Bắc đã gọi các đơn vị vũ trang của chúng ta bằng cái tên thân thương, gần gũi là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” vì chưa biết tên thật của Bác. Đây là tấm lòng của bà con các dân tộc Việt Bắc đối với cách mạng, với Bác Hồ và đối với các chiến sĩ đang chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp để giải phóng quê hương. Từ đó, cụm từ “Bộ đội Ông Ké”, “Bộ đội Ông Cụ” đã được gọi lại là “Bộ đội Cụ Hồ” và lan tỏa khắp đất nước, trở thành tên gọi yêu thương suốt 80 năm qua đối với các chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó cũng là điều hiếm thấy trong lịch sử thế giới kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay và trở thành nét độc đáo, mang giá trị văn hóa quý báu của dân tộc ta.

“Bộ đội Cụ Hồ” là tình cảm, tình yêu thương và cũng là niềm tin sâu sắc mà nhân dân ta dành cho những người chiến sĩ. Thực tế trên thế giới, hầu như chưa có đất nước nào lại gắn hình ảnh người lính với một lãnh tụ đáng kính nhất của mình như đất nước chúng ta. “Bộ đội Cụ Hồ” cũng có thể hiểu là những người lính đang chiến đấu để quét sạch bóng giặc ngoại xâm, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, là con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ mang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là suốt đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh của đất nước trong sự nghiệp giải phóng, giành độc lập, tự do, hạnh phúc và phồn vinh cho Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình cảm yêu thương vô bờ bến cho các lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Vì thế, từ những năm tháng ra đời, đến khi trưởng thành, chiến thắng và phát triển của quân đội, đều gắn chặt với hình ảnh của Bác, kể cả khi Người đã đi xa.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhân tố quyết định đến sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Từ khi được thành lập cho đến nay, quân đội ta luôn được sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam. Quan điểm lãnh đạo này cũng được tăng cường theo năm tháng, nhất là những năm kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

“Bộ đội Cụ Hồ” chỉ vẻn vẹn có 4 chữ, nhưng chứa đựng một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc, trở thành truyền thống cực kỳ quý báu và là hình ảnh cao đẹp của mỗi người chiến sĩ. Vì thế, người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lý tưởng cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước, quân đội ta luôn là quân đội của dân, do dân và vì dân. Nhân dân lúc nào cũng là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội, là đối tượng để bộ đội bảo vệ, phục vụ và yêu thương vô điều kiện.

 Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ảnh NDO

Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ảnh NDO

Trước đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhấn mạnh: “Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam luôn hiểu sâu sắc rằng, chỉ có quân đội cách mạng, được Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện mới là quân đội của dân, do dân và vì dân, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi của nhân dân. Chính vì thế, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” với phẩm chất cách mạng trong sáng là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta trong mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. “Bộ đội Cụ Hồ” luôn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình ảnh tươi đẹp của người chiến sĩ sống trong lòng dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc và lúc nào cũng hết lòng, hết sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Trong Hội nghị lần thứ 10 của Quân ủy Trung ương kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương đã gửi đến hội nghị những chỉ đạo, tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị: “Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội”. Cố Tổng Bí thư yêu cầu quân đội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp; luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, anh hùng

80 năm qua, quân đội ta đã lập được nhiều chiến công hiển hách, luôn là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quân đội ta không chỉ có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, mà còn là đội quân sản xuất và đội quân công tác. Dù trong bất cứ thời điểm nào, “Bộ đội Cụ Hồ” cũng tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm và nhiệt tình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như trong thời kỳ hòa bình, củng cố và xây dựng đất nước, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa đánh giặc giỏi, góp phần xây dựng nên nghệ thuật quân sự Việt Nam tài tình, mà còn là những người làm công tác dân vận khéo, hoàn thành xuất sắc chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Chính vì thế, “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đẹp của văn hóa quân sự Việt Nam với những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của những người chiến sĩ cách mạng, người con của nhân dân. Đó cũng chính nét đẹp tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, tâm hồn, cốt cách, nhân cách con người Việt Nam gần gũi, thân thương, yêu chuộng hòa bình.

Những năm gần đây, “Bộ đội Cụ Hồ” đều là những người tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước, phản bác và chống lại các tư tưởng phản động, chống đối muốn tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn quân, chia rẽ quân đội với công an, chia rẽ quân đội với nhân dân của các thế lực thù địch, phản động. Trong những lần thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, những chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Cứ chỗ nào Đảng cần, nhân dân cần, là “Bộ đội Cụ Hồ” có mặt. Hằng năm, trong những trận bão lũ dữ dội ở miền Trung, miền Tây Bắc, hay Tây Nguyên và Nam bộ, chúng ta đều thấy hình ảnh các anh bộ đội dầm mình trong cuồng phong, hay lao vào dòng lũ dữ để cứu lấy tính mạng, của cải cho nhân dân. Họ cũng luôn sẵn sàng có mặt khi ngư dân ta bị nạn trên biển. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 năm 2021, bộ đội đã có mặt ở những điểm nóng nhất, nguy hiểm nhất. Dù là trong các khu cách ly, phong tỏa, trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, các chiến sĩ quân chủ lực, quân địa phương hay dân quân tự vệ đều tham gia vào bất cứ công việc nặng nhọc và nguy hiểm nào. Các anh còn làm cả những việc chưa bao giờ làm: Đó là lo hậu sự cho người không may qua đời bởi Covid-19. Trong các đợt thiên tai, dịch bệnh ấy, nhiều chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống vì sự an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Những việc làm của các anh càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm cho vẻ đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” càng lung linh, tỏa sáng.

Những ngày của tháng 12-2024 này, cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị quân đội, hay các cựu chiến binh, cựu quân nhân đều dâng lên niềm tự hào khôn tả với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi chào mừng Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Họ tự hào vì mình là người chiến sĩ được nhân dân gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Niềm tự hào ấy sẽ theo họ trong suốt cuộc đời, trở thành nguồn động lực, niềm cảm hứng để mỗi chiến sĩ tiếp tục học tập, phấn đấu rèn luyện tốt, xứng danh với tên gọi yêu thương mà Đảng và nhân dân đã dành cho mình.

Đại tá, nhà báo LÊ PHI HÙNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/vinh-du-tu-hao-khi-la-bo-doi-cu-ho-a338297.html
Zalo