Vinh danh những nhà giáo âm thầm cống hiến
Tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa những tấm gương nhà giáo luôn âm thầm cống hiến, hết lòng vì thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ của người làm báo.
Thầm lặng thắp sáng con chữ
Lần đầu tham dự Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2024, nhà báo Phạm Khánh Huy, công tác tại báo Kinh tế đô thị, mang tới tác phẩm “Mẹ Hòa của những “vầng trăng khuyết””, thuộc thể loại e-magazine.
Chia sẻ về lý do lựa chọn nhân vật “Mẹ Hòa” cùng lớp học dành cho hơn 80 em học sinh mắc những hội chứng bệnh đặc biệt, đến từ nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội, nhà báo cho biết mình đã phát hiện nhân vật từ khoảng tháng 9/2023. Tuy nhiên, vì cảm thấy đây là một nhân vật có chiều sâu, hành động và việc làm của cô Hòa rất ý nghĩa nên anh ấp ủ thực hiện đề tài và lên bài vào đúng dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhận xét về nhân vật, anh nói: “Cô Hòa rất thân thiện, gần gũi, cảm giác giống như một người mẹ với đàn con của mình tại lớp. Ở cô Hòa, tôi cảm nhận được một năng lượng tích cực, cô yêu thương các bạn nhỏ thực sự”. Khi được hỏi về việc các học trò ở đây cần điều gì nhất, cô Hòa cũng tâm sự với anh, rằng các con cần thì cần nhiều, nhưng nhiều nhất vẫn là tình thương. Bởi mỗi người là một tính cách khác nhau, không có một phương pháp sư phạm nào làm quy chuẩn được mà phải là tình thương để có thể thấu hiểu và yêu thương các con.
“Bước vào lớp học trong không gian chùa, tôi cảm nhận được sự đầm ấm, gợi nhớ về những lớp học đông đúc, bàn ghế gỗ ngày xưa. Tại đây, không có khoảng cách giữa cô và trò; các cô yêu thương học trò, và trò cũng quý mến cô vô điều kiện. Hình ảnh các cô cầm tay dạy từng nét chữ, từng tiếng đánh vần là những khoảnh khắc chân thực, không dàn dựng”, anh bộc bạch.
Trong quá trình viết tác phẩm, thuận lợi lớn nhất đó là nhà báo đã tìm được số điện thoại của cô Hòa và có sự liên lạc trước, biết được thời gian lớp học. “Lúc đến nơi, tôi mới biết là lớp học chỉ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần. Khó khăn thì không có gì cả, lớp học ở Chương Mỹ, nói xa thì xa chứ với người làm báo thì có xa mấy cũng thành gần”, nhà báo Khánh Huy bày tỏ.
Anh cũng nói thêm, trên mạng xã hội từng có thông tin tiêu cực về ngành giáo dục được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng. Không ít người bình luận rằng họ mất niềm tin vào thầy cô, nhà trường. Họ có phần “sợ” nhà giáo và đã có những bình luận rất ác ý.
“Tôi nghĩ đó chỉ là những sự việc nhỏ lẻ của một vài cá nhân, vô hình chung “con sâu làm rầu nồi canh”, làm tổn thương lớn đến những nhà giáo tâm huyết, dành tình thương cho học trò. Vẫn còn đây những tấm gương các thầy cô giáo cắm bản vùng cao, bỏ tiền túi ra để nuôi học trò, các thầy cô ngày ngày vượt hàng chục km đường rừng để gieo con chữ trên vùng đất khó, hay cụ thể là cô Hòa cùng các cô giáo đã về hưu vẫn hàng tuần dạy dỗ những em học sinh khiếm khuyết”, nhà báo Khánh Huy chia sẻ.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Theo nhà báo Khánh Huy, hiện nay mạng xã hội có sức lan tỏa rất lớn. Cá nhân anh vẫn luôn tâm niệm rằng những việc tốt, năng lượng tốt nếu được chia sẻ sẽ mang ý nghĩa nhiều hơn. Việc làm của cô giáo Hòa cùng các giáo viên khác tại lớp học tình thương là câu chuyện cảm động và nên được truyền tải tới công chúng.
“Làm báo có nhiều nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ mà tôi rất yêu thích chính là tìm kiếm, phát hiện và tuyên truyền về các gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt. Ngoài kia vẫn còn có nhiều nhà giáo khác đang làm những điều ý nghĩa. Nhiệm vụ của người làm báo như chúng tôi chính là vinh danh những nhà giáo đó”, anh nói.
Đến với Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, nhà báo Khánh Huy nhấn mạnh, đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, là sự công nhận không chỉ với riêng anh mà còn với những tác giả khác sau một năm công tác. Nó cũng đem lại động lực lớn cho người làm báo và cả những người đang làm công tác giáo dục. Thông qua cuộc thi, những nhà giáo vẫn đang âm thầm cống hiến sẽ có cơ hội bước ra trước công chúng.
Anh kỳ vọng, các độc giả khi đọc được những bài báo tích cực trên, bản thân họ sẽ được truyền năng lượng tích cực và chính họ cũng sẽ là người phát hiện, biểu dương những tấm gương việc tốt.