Vĩnh biệt Trung tướng Khuất Duy Tiến

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài Quân đội tận tình cứu chữa, gia đình và người thân hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức yếu, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 16 giờ 10 phút ngày 23-11-2024.

Đồng chí Khuất Duy Tiến sinh ngày 27-2-1931 ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là TP Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, đồng chí đã tham gia lao động, phụ giúp cha mẹ và chăm sóc các em. Là con cả trong một gia đình trải qua rất nhiều sóng gió, mất mát nhưng đồng chí luôn mạnh mẽ, can đảm cùng với cha mẹ chèo chống vượt qua nghịch cảnh.

Thấy đồng chí thông minh, hiếu học nên dù gia đình vô cùng khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cho đồng chí đi học chữ nho đến thành thạo và sau đó đi học chữ Quốc ngữ đến bằng Sơ học yếu lược. Đó là nền tảng mà từ đó đồng chí bồi đắp thêm những kiến thức văn hóa, xã hội và quân sự trong bước đường trưởng thành trong quân ngũ.

 Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Đồng chí tham gia các hoạt động của Việt Minh từ năm 14 tuổi. Là thành viên tích cực tham gia trừ gian, diệt ác ở địa phương nên ông bị kẻ thù để ý, theo dõi rồi bắt giam vào nhà tù ở thị xã Sơn Tây, sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò biệt giam. Chính nơi đây là trường học cách mạng đưa đồng chí đến với những bài học đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản.

Sau khi ra tù, tháng 9-1950, đồng chí Khuất Duy Tiến chính thức nhập ngũ vào vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320. Theo bước trưởng thành của đơn vị, qua thực tiễn chiến đấu, đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 19 xung kích trong đội hình Đại đoàn 320 chiến đấu tại Đồng bằng Bắc Đạ. Những chiến dịch Sơn Tây, Hà Nam Ninh, Hòa Bình..., đồng chí đều có mặt và luôn xung phong tiến về phía trước cùng đồng đội hăng say diệt địch, lập công. Với sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tháng 2-1952, đồng chí được kết nạp vào Đảng.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và phu nhân trong lần trở lại Tây Nguyên.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và phu nhân trong lần trở lại Tây Nguyên.

Khi đế quốc Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, với khẩu hiệu “đi lâu, đi sâu, đánh to, thắng lớn... đánh đến thắng lợi hoàn toàn”, đồng chí cùng Sư đoàn 320 hành quân vào chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn. Những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt cũng là những năm tháng rèn đúc lên ý chí và bản lĩnh thép của một Khuất Duy Tiến kiên cường, cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát.

Chiến dịch ở Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là chiến dịch mà ông tham gia với vai trò Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), chỉ huy các tiểu đoàn đánh vào điểm cao 543 tiến tới tiêu diệt căn cứ 31 của lữ đoàn dù số 3 - lực lượng thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn lúc bấy giờ. Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù số 3 khi bị bắt sống trong trận này vẫn không hết bàng hoàng trước sự thiện chiến và quả cảm của các chiến sĩ Trung đoàn 64 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến.

Chiến dịch Xuân Hè 1972 của Mặt trận B3-Tây Nguyên, ông đã cùng đơn vị đánh trận mở màn chiến dịch trên điểm cao 1049 (Delta) và trận then chốt thứ nhất của chiến dịch trên điểm cao 1015 (Charlie) đều thuộc địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, tiêu hao nhiều sinh lực địch, tạo điều kiện cho lực lượng của chiến dịch giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh…

Trung tướng Khuất Duy Tiến (giữa) cùng các cựu chiến binh trong ngày khánh thành nhà bia tưởng niệm trên điểm cao 1015 (Charlie) và cao điểm 1049 (Delta)

Trung tướng Khuất Duy Tiến (giữa) cùng các cựu chiến binh trong ngày khánh thành nhà bia tưởng niệm trên điểm cao 1015 (Charlie) và cao điểm 1049 (Delta)

Đầu tháng 11-1973, Trung tá Khuất Duy Tiến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 được cấp trên điều về làm Tham mưu phó Sư đoàn 320. Chưa tròn một tuần sau, ông lại có quyết định bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên. Lúc này, Bộ tư lệnh Mặt trận nhận nhiệm vụ chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt địch theo Đường 14 mở hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Kế hoạch nghi binh do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến trực tiếp soạn thảo được ta triển khai rầm rộ từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975 đã thành công lừa được địch. Chúng điều động lực lượng lên khu vực Gia Lai, Kon Tum và không có kế hoạch phòng thủ Buôn Ma Thuột. Nhờ đó quân ta đã nhanh chóng tấn công và giải phóng Buôn Ma Thuột, tiếp tục truy kích địch trên Đường 7, giải phóng Tuy Hòa, Phú Yên mở đầu cho sự thất bại và tan rã của quân lực Việt Nam cộng hòa tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ hướng Tây Bắc, đồng chí tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy đóng quân tại căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để Quân đoàn 3 đưa lực lượng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tưởng đất nước sẽ ngưng tiếng súng, nhưng cuối năm 1977, bọn phản động Pol Pot tiến hành chống phá Việt Nam điên cuồng. Trước tình hình đó, đồng chí Khuất Duy Tiến, đang là Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 được điều động về nhận nhiệm vụ làm Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn. Đến tháng 2-1978, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 320.

Cuối mùa khô năm 1978, đồng chí chỉ huy sư đoàn đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia) tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum) bằng lực lượng cơ giới hành tiến thọc sâu. Chỉ trong 1 ngày đơn vị đã diệt gọn mục tiêu. Tiếp đó, trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1-1979, Sư đoàn 320 do ông chỉ huy đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ Thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh. Thực hiện mệnh lệnh của trên, đồng chí tiếp tục cùng đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn với tinh thần cộng sản quốc tế trong sáng, được nhân dân Campuchia tin yêu gọi là "đội quân nhà Phật".

Trở về nước, những kinh nghiệm, bài học quý được tích lũy qua các chiến trường khốc liệt với biết bao nhiêu cuộc thử lửa cam go đã được ông vận dụng sáng tạo qua gần 10 năm trên cương vị chỉ huy Quân đoàn 3 tham gia giữ địa bàn trọng yếu, rồi ra bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tổ chức hành quân trở lại Tây Nguyên xây dựng Quân đoàn chủ lực trong thế trận mới vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng Tây Nguyên an ninh và giàu đẹp. Trước khi nghỉ hưu, ông còn có 10 năm làm Cục trưởng Cục Quân lực và Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 1.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và phu nhân chụp ảnh cùng thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh Sư đoàn 320.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và phu nhân chụp ảnh cùng thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh Sư đoàn 320.

Nặng lòng với đồng đội, nhất là các gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội, hàng chục năm liền Trung tướng Khuất Duy Tiến tích cực chủ trì, tham gia tổ chức những hoạt động giúp đỡ đồng đội và tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 2017, 2018, Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 320-Đại đoàn Đồng Bằng triển khai xây dựng hai nhà bia tưởng niệm trên điểm cao 1015 (Charlie) và cao điểm 1049 (Delta). Tiếp đó là công trình nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Sở chỉ huy Sư đoàn ở Biển Hồ - Gia Lai; nhà bia tưởng niệm tại căn cứ Đồng Dù-Củ Chi... Tổng kinh phí xây dựng nhiều tỷ đồng đều do các cựu chiến binh của Sư đoàn 320 và gia đình đóng góp. Riêng vị tướng già Khuất Duy Tiến đã góp 750 triệu đồng từ tiết kiệm lương hưu và tiền hỗ trợ của con cháu.

Trong suốt quá trình thi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn nhiều lần vượt hàng ngàn cây số để đến thắp nén tâm hương như một lời tri ân những đồng đội năm xưa đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Nhớ những người lính trẻ của mình từng chia nhau từng điếu thuốc giữa chiến trường, ông còn lặn lội mang cả gói thuốc lào Vĩnh Bảo đặt lên nơi thờ đồng đội. "Lão tướng, chiến binh" Khuất Duy Tiến cũng dành những tình cảm sâu sắc, nghĩa tình chung thủy đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong những lần trở về ấy. Ngược lại, ông cũng nhận được sự đón tiếp chu đáo, nồng nhiệt của đồng bào trên vùng đất Tây Nguyên như người thân đi xa lâu ngày trở về nhà.

Là một quân nhân, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, đồng chí Khuất Duy Tiến đã đem hết nhiệt tình và tài năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Quân đội và nhân dân, được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng những phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Cuộc đời của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến trải qua nhiều cương vị công tác, với sự phong phú về vốn sống và những trải nghiệm quý báu. Suốt hành trình ấy, đồng chí luôn gắn bó tình cảm cách mạng với tình thương yêu gia đình, nhân hậu, đồng cảm và sẻ chia với đồng chí, đồng đội. Trung tướng Khuất Duy Tiến đã phát huy trọn vẹn phẩm chất đáng quý về trí tuệ và nhân cách của một cán bộ cao cấp trong Quân đội.

BÍCH TRANG - MẠNH HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/vinh-biet-trung-tuong-khuat-duy-tien-804351
Zalo