Vinatex đạt doanh thu hơn 18,1 nghìn tỷ đồng
Năm 2024, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng Vinatex đã bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, qua đó, 'cán đích' với tổng doanh thu hợp nhất đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8%; lợi nhuận đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5%; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.
Ngày 25/12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, phong trào công nhân lao động năm 2024 và các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thông tin tại buổi gặp mặt, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2024, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng đơn vị đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đón bắt đơn hàng quay trở lại. Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả.
Với sự quyết liệt, đổi mới trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, qua đó, “cán đích” với tổng doanh thu hợp nhất đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8%; lợi nhuận đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5%; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương.
Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, năm qua, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động trên cơ sở kiện toàn Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Vinatex; khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (Hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới.
Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP); tiếp tục triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa ngành dệt may như: tổ chức hội nghị, hội thảo về phát triển bền vững, báo cáo ESG - môi trường, xã hội và quản trị; chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000 m3/ngày đêm bên cạnh nhà máy xử lý nước thải số 1 công suất 10.000 m3/ngày đêm cho ngành dệt nhuộm tại khu công nghiệp Dệt may Phố Nối Hưng Yên, hướng tới xây dựng khu công nghiệp dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía bắc,…
Năm 2024, Vinatex cũng đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi vì mọi nhận định đều cho thấy hoạt động theo chuỗi có hiệu quả rõ rệt,…
Năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng, với 80 năm thành lập nước và đặc biệt hơn với quan điểm định hướng “đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, đòi hỏi mọi ngành, mọi người đều phải có ý thức vươn lên mãnh liệt. Với Vinatex sẽ là năm kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025), là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới của hội đồng quản trị Tập đoàn. Do đó, đây cũng được coi là kỷ nguyên mới của Vinatex – kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước và dân tộc.
Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả bốn trụ cột môi trường- xã hội - quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hóa doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động,…
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, năm 2024, Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Tập đoàn và các doanh nghiệp triển khai toàn diện phong trào thi đua; chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động. Các phong trào và hoạt động đều mang tính thực chất, hướng về cơ sở, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động, duy trì mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn. Trong đó, nổi bật như phối hợp với Tập đoàn tổ chức ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt may lần thứ VI với các nội dung bảo vệ đề tài giải pháp, trưng bày các mô hình, mẫu vật sáng tạo với chủ đề “Xanh hóa và phát triển bền vững”.
Từ hơn 1.700 sáng kiến được ứng dụng, làm lợi gần 58 tỷ đồng tại cấp cơ sở, đã chọn lựa ra 73 đề tài lọt vào vòng chung khảo để tổ chức bảo vệ, giới thiệu, chia sẻ tại ngày hội; mở 26 lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho 918 người lao động tại 15 doanh nghiệp; tổ chức thành công hội diễn văn nghệ ngành Dệt may Việt Nam tại ba miền gồm những ca khúc mới sáng tác về ngành với sự tham gia biểu diễn của gần 1.200 đoàn viên công đoàn đến từ các công đoàn cơ sở; làm tốt các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng như quyên góp ủng hộ người lao động và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ với số tiền thu được 4,95 tỷ đồng,…
Cũng theo Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm, trước thềm năm mới, Công đoàn phối hợp với Tập đoàn tổ chức chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả,... Theo kế hoạch có hơn 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến hơn 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở),…