Viettel và cú huých cho hàng hóa xuất khẩu biên giới
Sáng 11-12, tại khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là bước đi thể hiện quyết tâm của Viettel tham gia phát triển hạ tầng logistics quốc gia hiện đại, góp phần khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế Việt Nam. Điều này thêm một lần nữa thể hiện rõ vai trò, đóng góp quan trọng của Quân đội trong nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế.
Lời giải cho chống ách tắc trong xuất khẩu nông sản
Có mặt tại Công viên Logistics Viettel, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là công viên tọa lạc tại vị trí đắc địa trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tiếp giáp với quốc lộ, đường cao tốc và đường sắt, thuận lợi trong việc kết nối hàng hóa xuyên biên giới.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, là trung tâm logistics có hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, ra đời với sứ mệnh trở thành cầu nối giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc, hướng tới đưa Việt Nam thành trung tâm logistics chiến lược của Đông Nam Á.
Đã từ rất lâu, việc ách tắc hàng hóa ở các cửa khẩu phía Bắc do hạn chế về hạ tầng và thiếu cơ chế liên thông trong xuất, nhập khẩu hàng hóa hiệu quả, trở thành nỗi ám ảnh đối với doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản. Sự xuất hiện của Công viên Logistics Viettel góp phần tạo ra lời giải cho bài toán khó nêu trên. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ logistics xuất, nhập khẩu toàn trình, chuyên nghiệp bao gồm: Thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận chuyển và vận tải xuyên biên giới. Các công nghệ tiên tiến cùng hệ thống quy trình được thiết kế tối ưu, kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu hải quan Việt Nam, Trung Quốc và các cơ quan chức năng giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 4 đến 5 ngày xuống dưới một ngày, giảm chi phí thông quan 30-40%. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các sản phẩm nông, thủy sản-loại mặt hàng có yêu cầu khắt khe về thời gian và bảo quản. Theo tính toán thì sự xuất hiện của Công viên Logistics Viettel có thể giúp tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây ở các tỉnh phía Nam lên Lạng Sơn từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng
Công viên Logistics Viettel sẽ bố trí khu làm việc liên ngành của lực lượng chức năng hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc như hải quan, Bộ đội Biên phòng, kiểm dịch, ngân hàng, thuế. Mục tiêu đặt ra là hàng hóa sau khi đã được kiểm tra, thông quan tại công viên sẽ đưa thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải làm thủ tục ở bất cứ khâu nào nữa. Sau khi thông quan, xe container sẽ được kẹp chì và vận chuyển theo luồng xanh lên cửa khẩu, theo một con đường được bố trí hàng trăm camera, trong đó cứ 20m sẽ bố trí một camera loại thường và 100m bố trí một camera có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý.
Với thiết kế vận hành tối ưu kết hợp công nghệ hiện đại, Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn lên gấp đôi so với hiện tại.
Ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu
Công viên Logistics Viettel được xây dựng theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ (như IoT, 5G, AI, Big Data và Digital Twins (bản sao số) và tự động hóa (như Smart Locker-khóa thông minh), máy bay không người lái drone, xe tự hành). Các công nghệ và giải pháp tự động hóa này được ứng dụng để tối ưu hóa các quy trình vận hành, từ quản lý kho bãi đến vận chuyển hàng hóa và thông quan sẽ tối ưu hóa quy trình giao nhận.
Công viên Logistics Viettel còn được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ (Leadership in Energy & Environmental Design-Tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh), tuân thủ các nguyên tắc vận hành bền vững và hiện đại. Với hơn 3.300 cây xanh, hệ thống năng lượng tái tạo và mô hình kinh tế tuần hoàn, công viên không chỉ vận hành hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng hệ sinh thái logistics xanh và thân thiện. Theo Thượng tá Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), sở dĩ dự án được gọi là công viên vì được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường. Để thiết kế trung tâm này, Viettel đã tham khảo các trung tâm logistics hàng đầu thế giới.
Thượng tá Hoàng Trung Thành bật mí thêm một số thông tin để chúng tôi hình dung ra mức độ hiện đại và quy mô lớn của công viên. Ví dụ, khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh sử dụng hệ thống robot AGV tự hành do chính Viettel Post làm chủ, kết hợp với hệ thống nhận dạng và phân loại tự động DWS, hệ thống soi chiếu tự động có khả năng giám sát, kiểm tra, thông quan tới 600.000 bưu phẩm/ngày. Kho lưu trữ hàng tại công viên là loại kho tối, nghĩa là không cần có ánh sáng của đèn, vì toàn bộ hoạt động trong kho đều do robot đảm nhiệm rất cần mẫn và chính xác, những giá hàng được thiết kế đặc biệt cao như ngôi nhà 10 tầng. Điều này vừa giúp tiết kiệm năng lượng mà lại rất hiệu quả.
Đặt chỗ trực tuyến qua ứng dụng V-Gate
Để hỗ trợ doanh nghiệp đặt chỗ trực tuyến, hàng đến nơi có thể vào công viên ngay mà không phải mất thời gian chờ đợi như tại các bãi hàng truyền thống ở biên giới, Viettel Post đã phát triển ứng dụng V-Gate. Hệ thống này được tích hợp với các hệ thống vệ tinh: Hệ thống quản lý vận tải thông minh (Smart Gate), Hệ thống công viên logistics khác trong tương lai, Hệ thống quản lý kho thông minh (WMS), Hệ thống tài chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự minh bạch và bảo đảm quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận tiện, chính xác.
Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vui mừng thể hiện sự tin tưởng khi Công viên logistics Viettel Lạng Sơn hoàn thành đầu tư các hạng mục và đi vào hoạt động, hứa hẹn mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan.
Tại lễ khai trương, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Viettel khi quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics. Theo đó, ngành logistics hiện đóng góp khoảng 5-6% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí logistics cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải. Do đó, hạ tầng logistics mà Viettel Post đang kiến tạo sẽ có sứ mệnh là nền tảng để hình thành mạng lưới logistics hiện đại, đồng bộ, giúp kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất, nhập khẩu quốc tế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết, Công viên Logistics Viettel được khai trương tại Lạng Sơn mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện sứ mệnh ấy. Tiếp theo, Viettel Post có nhiệm vụ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; trung tâm logistics nông sản; trung tâm logistics trong khu công nghiệp; hạ tầng chuỗi cung ứng; mạng lưới vận tải đa phương thức; tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực.