VietBank: Chủ tịch và người liên quan nắm gần 12% cổ phần
Theo danh sách VietBank công bố cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ, thì ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT và người liên quan nắm 11,89%.
Danh sách gồm có 25 cổ đông là các tổ chức và cá nhân, trong đó, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB) và những người có liên quan trong gia đình là nhóm cổ đông gắn bó lâu năm, nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu 11,89%.
Việc công bố danh sách cổ đông nói trên là quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng cần cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan bao gồm cả thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%.
Danh sách người có liên quan cũng được mở rộng so với trước. Kể từ ngày 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì, nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý, VietBank triển khai tăng vốn điều lệ lên 7.139 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Kế hoạch tăng vốn điều lệ là một trong những điều kiện quan trọng để VietBank củng cố và nâng cao năng lực tài chính theo đúng lộ trình cam kết với NHNN, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
VietBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ của Ngân hàng cũng ghi nhận kết quả khả quan khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 110 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ nỗ lực chuyển đổi số và tiết giảm chi phí hiệu quả trong thời gian qua, chi phí hoạt động của VietBank chỉ tăng nhẹ 6% lên 1.103 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 364,5 tỷ đồng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp tục gặp khó khăn về khả năng thanh toán nợ đúng hạn, nhất là sau cơn bão Yagi. Với các kết quả trên, kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 820,4 tỷ đồng, tăng mạnh 96% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với 2023. Tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 116.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, VietBank cũng hướng tới mục tiêu năm 2025 đưa tổng tài sản lên mức 170.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 135.000 tỷ đồng; tổng dư nợ 110.000 tỷ đồng; vốn điều lệ lên mức 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 3% tổng dư nợ theo quy định.
Tính tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 151.957 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 90.811 tỷ đồng, tăng 13,6%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với trung bình của ngành ngân hàng. Tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tăng nhẹ lên mức 91.497 tỷ đồng.
Với mục tiêu phủ sóng mạng lưới toàn quốc để đưa sản phẩm, dịch vụ tới gần hơn với khách hàng, VietBank đang tích cực mở mới nhiều phòng giao dịch và chi nhánh. Hiện tại, VietBank có 124 điểm giao dịch, bao gồm 26 chi nhánh và 98 phòng giao dịch. Đến cuối năm 2024, dự kiến con số này tăng lên 132 điểm giao dịch với 30 chi nhánh và 102 phòng giao dịch.