Viết vượt giới hạn cơ thể
Biến khiếm khuyết thành động lực và cơ hội, nỗ lực phi thường để khai phá sức mạnh tiềm ẩn và đi tới thành công là những điều độc giả tìm thấy đằng sau nhiều trang viết của người khuyết tật.
Nhưng chính những tác giả ấy lại mong muốn độc giả đọc văn chương của mình từ góc tiếp cận bình thường như khi đọc bất kỳ một nhà văn nào khác. Vì sao?
Có rất nhiều những cuốn sách của người khuyết tật sau khi xuất bản đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng được đông đảo bạn đọc quan tâm bởi những nghị lực phi thường, những hành trình vượt qua vô vàn gian nan của tác giả. Có thể kể đến tự truyện “Câu chuyện đời tôi” của Helen Keller, loạt tác phẩm của Nick Vujicic, “Sống mãnh liệt” của Saliya Kahawatte, “Không gục ngã” của Nguyễn Bích Lan, “Tôi đi học” của Nguyễn Ngọc Ký, “Không thể vỡ” của Vũ Ngọc Anh…
Điểm chung của những người khuyết tật thành công ấy là họ không bao giờ nghĩ mình là nạn nhân, không chìm trong ủ ê, đau khổ với tình cảnh của mình. Họ luôn tâm niệm chính mình tạo ra số phận của bản thân, vì thế họ không bao giờ bỏ cuộc khi đứng trước khó khăn, họ dùng sức mạnh ý chí to lớn để vượt lên trên những giới hạn của cơ thể và vươn tới những đỉnh cao thành công mà những người bình thường chưa chắc đã thực hiện được.
Tuy nhiên, đó hầu hết là các cuốn tự truyện, hồi ký với một câu chuyện về hành trình vượt qua nghịch cảnh, về truyền cảm hứng sống tích cực, hay chia sẻ về việc viết văn như một “liều thuốc chữa lành” của chính tác giả. Đó có thể trở thành những khuôn mẫu trói buộc các nhà văn khi viết về đề tài khuyết tật, và một mặt khác, cũng giới hạn cách hiểu của nhiều độc giả khi tiếp nhận một tác phẩm văn chương được viết bởi một nhà văn là người khuyết tật.
Với các sáng tác văn chương, các nhà văn là người khuyết tật không muốn bị độc giả “đóng đinh” trong vị trí của một tác giả có khiếm khuyết ở cơ thể.
Chia sẻ về cuốn sách “This is not a book by a girl without arms & legs” với cái tên sách ấn tượng “Đây không phải là cuốn sách của một cô gái không có tay và không có chân” (tạm dịch), nhà văn người Hà Lan Eva Eikhout cho biết, “tôi muốn cuốn sách này là một góc nhìn của một cô gái tên Eva chứ không phải bị định hình là của một người không có tay và không có chân”.
Cuộc đời của mỗi người không được chọn sinh ra với hình dáng như thế nào, nhưng Eva luôn “sống theo con người thật của tôi và chính tôi theo quan điểm của Eva chứ không phải từ một cơ thể khuyết tật". Với Eva, “thế giới không bao giờ thay đổi để thích nghi với tôi nhưng tôi phải thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với thế giới”.
Một trong những cách tiếp cận với các tác phẩm văn chương khá phổ biến là thông qua việc tìm hiểu tiểu sử của tác giả. Tuy nhiên, với các nhà văn là người khuyết tật, trải nghiệm thân thể có thể không phải là một chướng ngại cần phải vượt qua trên hành trình văn chương. Tuy viết từ giới hạn cơ thể nhưng các nhà văn là người khuyết tật luôn mong muốn độc giả thưởng thức văn chương của họ một cách trọn vẹn thay vì cảm thương cho tình cảnh tác giả.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ: “Nhà văn luôn muốn bạn đọc nhìn nhận tác phẩm của mình một cách công bằng. Cá nhân tôi khi lần đầu tiên nhận được một giải thưởng về văn chương, tôi đã từng nghĩ không biết có phải ban tổ chức trao giải cho tôi vì hoản cảnh của tôi chứ không phải vì tác phẩm”.
Đề tài về khuyết tật trong các tác phẩm văn chương hư cấu thường hiếm khi được miêu tả một cách trung lập. Hình ảnh người khuyết tật thường được dùng để chuyển tải một ý nghĩa ẩn dụ, có thể là “thần thánh hóa” với nhân vật vượt lên nghịch cảnh hay có một phẩm chất anh hùng đặc biệt nào đó, hoặc có thể là “bị lụy hóa” với nhân vật chìm đắm trong bi quan, đau khổ, thậm chí dẫn đến sự lệch lạc, tội lỗi.
Theo tác giả trẻ Quỳnh Anh, “dù cùng viết về người khuyết tật trong tác phẩm của mình nhưng các nhà văn thường có góc nhìn thương cảm, tội nghiệp trong khi các nhà văn là người khuyết tật không nghĩ thế và viết thế”.
Các nhà văn là người khuyết tật đã viết vượt qua các giới hạn cơ thể, bởi với họ, một mặt cuộc sống hàng ngày không khác gì với mọi người khác trên thế giới, một mặt họ có trải nghiệm cơ thể mà một người bình thường không có được.
Nhà văn Kim Hòa chia sẻ: “Giới hạn về sức khỏe đặt trước tôi nhiều rào chắn. Khi viết, tôi nhận ra những chướng ngại và ranh giới ấy biến mất. Tôi được sống một cuộc đời trọn vẹn nhờ văn chương”.
Trong cuộc trò chuyện văn chương được tổ chức mới đây tại Viện Goethe Hà Nội, không ít người khiếm thị, khiếm thính đã bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm vượt qua giới hạn cơ thể để đến với văn chương.
Theo nhà văn Eva Eikhout, viết là một cách thể hiện suy nghĩ nên bất cứ người khuyết tật nào cũng có thể bắt đầu, miễn là đủ cởi mở để tìm ra được sự tự hào trong bản thân mình và không ngại đối diện trước ánh mắt thương hại của người khác. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người đều có không gian, có cơ hội cất lên tiếng nói của mình, kể câu chuyện của riêng mình. Nếu mỗi cây bút là người khuyết tật viết về bản thân mình, về cộng đồng của mình sẽ góp phần giúp hình ảnh người khuyết tật vượt ra ngoài những nhãn dán mà mọi người đang có để tạo nên sự đa dạng của xã hội, của thế giới mà ai cũng được bao hàm.