Viết tiếp truyền thống xây dựng vùng quê cách mạng giàu đẹp

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về thăm vùng quê cách mạng Mường Chùm, huyện Mường La. Viết tiếp trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Chùm luôn chung sức, đồng lòng xây dựng bản mường ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hang Thẩm Đán Đanh là điểm tập trung, xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Mường Chùm

Hang Thẩm Đán Đanh là điểm tập trung, xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Mường Chùm

Trong hành trình về vùng quê cách mạng, chúng tôi đến lũng Đán Đanh, dừng chân tại vị trí được cắm biển chỉ dẫn khu di tích lịch sử, anh Mùa A Vàng, Bí thư Đoàn xã Mường Chùm, chỉ tay về phía hang Đán Đanh, thông tin: Trung tuần tháng 6 vừa qua, nhân dân trong xã rất vui khi được huyện đầu tư khởi công công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi khu di tích lịch sử lũng Đán Đanh với quy mô 3,1ha. Công trình sẽ góp phần tạo điểm đến trong chuyến hành trình về di tích lịch sử cách mạng, thăm chiến trường xưa, xây dựng khu di tích thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngược dòng thời gian khi thực dân Pháp xâm lược, tháng 5/1948, Tỉnh ủy Sơn La thành lập 2 đội vũ trang tuyên truyền mang tên Quyết Tiến và Chiến Thắng. Đội Chiến Thắng đã tuyên truyền, vận động và xây dựng được cơ sở vững chắc tại một số xã, trong đó, có xã Mường Chùm. Năm 1949, quân Pháp bao vây huyện ở bản Giàn, xã Mường Bằng, các cơ quan huyện phải tạm chuyển vào bản Búc, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, sau đó chuyển về lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại đây, Tỉnh ủy đã trao cờ cho Đội Chiến Thắng và tuyên bố thành lập Huyện ủy Mường La, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Mường La.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sơn La và Huyện ủy Mường La, nhân dân Mường Chùm tích cực chuẩn bị mọi mặt, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng quê hương ngày 22/11/1952; đóng góp sức người, sức của góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc năm 1952 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã có biết bao thế hệ người dân Mường Chùm xả thân vì nền độc lập dân tộc. Xã Mường Chùm đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lễ khởi công công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích lịch sử lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm.

Lễ khởi công công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích lịch sử lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm.

Về vùng quê cách mạng, chúng tôi tìm gặp Quàng Văn Lẻ, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Mường Chùm, huyện Mường La giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1981, một trong 9 người đầu tiên được kết nạp Đảng khi thành lập chi bộ đầu tiên ở xã. Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi ôn lại những năm tháng hào hùng cùng thế hệ trẻ, ông như trở về những năm tháng hào hùng không thể quên. Ông Lẻ bồi hồi kể lại: Thanh niên trong vùng lúc đó rất hăng hái, dũng cảm, chuẩn bị gậy gộc, giáo mác xung phong tham gia vào các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tôi được tham gia hoạt động thanh niên và ngày 9/2/1959, tôi được kết nạp Đảng, đến tháng 10/1960 được cử là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã, rồi Bí thư đảng ủy xã, sau đó được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy 4 khóa, đến năm 1992 tôi về nghỉ hưu theo chế độ.

Nông dân xã Mường Chùm, huyện Mường La trồng mía nguyên liệu.

Trở lại Mường Chùm lần này, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây, các tuyến đường liên bản, ngõ xóm đã được bê tông hóa; hai bên đường những ngôi nhà khang trang, vững chãi mọc lên, bao quanh là những cánh đồng lúa xanh ngắt. Trên đường đi những chiếc xe tải ngược, xuôi đến tận đồi mía, nương ngô thu mua nông sản.

Phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, người dân đã trồng được 640ha cây ăn quả các loại; thâm canh 100ha ruộng nước; 50ha cây ngô ngọt; 850ha ngô, hơn 400ha mía... Chăn nuôi được chú trọng mở rộng quy mô đàn, với hơn 13.000 con gia súc, hơn 52.000 con gia cầm. Các hộ ở trung tâm xã đã đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của bà con trong bản, trong xã và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 5,1%.

Nhân dân xã Mường Chùm thu hoạch ngô xuất bán cho thương lái.

Nhân dân xã Mường Chùm thu hoạch ngô xuất bán cho thương lái.

Giao thông đi lại thuận lợi; 100% các bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; duy trì, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường... công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; an ninh trật tự được giữ vững... Năm 2018, Mường Chùm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hiện nay, xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Các tuyến đường giao thông ở Mường Chùm được bê tông hóa.

Về quê hương cách mạng những ngày này, được ôn lại truyền thống hào hùng, cảm nhận sâu sắc sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Truyền thống quê hương cách mạng sẽ là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Chùm phát huy, chung sức đồng lòng dựng xây quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp, xứng danh quê hương anh hùng.

Lam Giang, Đức Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/viet-tiep-truyen-thong-xay-dung-vung-que-cach-mang-giau-dep-W0GK2wjIg.html
Zalo