Viết tiếp trang sử vẻ vang cho báo chí tỉnh nhà

Hôm nay (19/5) là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi. Đó là, hai cơ quan báo chí lớn của tỉnh đã chính thức 'về chung một nhà' với tên gọi là Báo Quảng Ngãi, trên cơ sở sáp nhập Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi vào Báo Quảng Ngãi. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy.

Kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1989) đến nay, Báo Quảng Ngãi đã có 36 năm hoạt động; còn Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi tròn 35 năm hoạt động. Trong khoảng thời gian ấy, hai đơn vị đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành sản xuất nội dung, thực hiện kinh tế báo chí. Cả hai cơ quan đều được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, có mặt hoàn thành xuất sắc, nhất là công tác chuyển đổi số báo chí; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc sáp nhập lần này không phải là sự khép lại, mà chính là sự khởi đầu mới cho một mô hình báo chí hiện đại hơn. Đó là, hình thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, với đội ngũ nhà báo, phóng viên giỏi chuyên môn, tinh thông công nghệ và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây không chỉ là sự kiện quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính các cơ quan báo chí địa phương theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí địa phương trong thời kỳ chuyển đổi số.

Kể từ ngày hôm nay, Báo Quảng Ngãi sẽ là một đơn vị báo chí tích hợp, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin đa chiều của công chúng. Thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây thì nay, Báo Quảng Ngãi sẽ trực tiếp sản xuất nội dung đa phương tiện trên nhiều kênh, từ báo in, báo điện tử đến truyền hình, phát thanh và các nền tảng mạng xã hội. Từng bước hình thành cơ quan truyền thông mạnh, hiện đại; giảm trùng lặp thông tin, tăng cường tính thống nhất trong định hướng tuyên truyền, đủ sức dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận và phản ánh trung thực hơi thở đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, việc sáp nhập này cũng đặt ra không ít thách thức cho Báo Quảng Ngãi. Đó là, Báo và Đài đều có quy trình làm việc, đặc thù nghề nghiệp khác nhau, nên để tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong cách thức làm việc, phối hợp và lãnh đạo là điều không dễ. Cùng với đó là, tâm lý lo lắng về thu nhập, tinh giản biên chế trong một bộ phận phóng viên, nhân viên và người lao động sau khi hai cơ quan sáp nhập. Mặt khác, cơ chế tài chính giữa hai đơn vị cũng khác nhau, một bên là đơn vị sự nghiệp của Đảng, một bên là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Do đó, để có một cơ chế thống nhất, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân có liên quan cũng đang là một thách thức không nhỏ.

Vì vậy, việc cần làm ngay sau khi sáp nhập là hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thiết lập cơ chế tài chính mới; phát huy hạ tầng và công nghệ sẵn có của hai đơn vị. Khơi dậy tinh thần làm việc cho cán bộ, phóng viên và nhân viên; đồng thời định vị lại thương hiệu Báo Quảng Ngãi.

Tin tưởng rằng, thế hệ làm Báo Quảng Ngãi hôm nay tiếp tục giữ vững ngọn lửa yêu nghề, say sưa cống hiến; tiếp nối những lý tưởng, khát vọng của các thế hệ làm báo đi trước; vững vàng, kiêu hãnh trên hành trình mới. Biến tinh thần hợp nhất thành sức mạnh hành động, biến truyền thống quý báu thành nhiên liệu cho đổi mới sáng tạo, cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang cho báo chí tỉnh nhà.

ĐỨC NGUYỄN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/viet-tiep-trang-su-ve-vang-cho-bao-chi-tinh-nha-52785.htm
Zalo