Việt Nam vươn lên thứ 71/193 về Chính phủ điện tử
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức 'rất cao'.
Thông tin trên được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, được Chính phủ tổ chức vào chiều 6/2.
![Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc tại phiên họp lần thứ 10.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_5_51412357/3582a3389b7672282b67.jpg)
Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc tại phiên họp lần thứ 10.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thể chế đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế; hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển. Xác lập thêm 4 Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, nâng tổng số lên 10 CSDL quốc gia. 5 CSDL Quốc gia đã hoàn thành, khai thác sử dụng; 3 CSDL đang triển khai; 2 CSDL đã có kế hoạch, bắt đầu triển khai. Các bộ, ngành, địa phương xác lập thêm 678 CSDL, tăng 30%, nâng tổng số CSDL lên 2990. Giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tăng 57%, từ 647 triệu năm 2023 lên 1.013 triệu giao dịch trong 2024.
Năm 2024 có thêm 21 bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, nâng tổng số cơ quan, địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở lên 75 cơ quan, địa phương. Bộ TT&TT công bố 159 nền tảng số triển khai toàn quốc để giảm tình trạng đầu tư trùng lặp, gây lãng phí, không hiệu quả.
Ngoài ra, dữ liệu dân cư đã được các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả để xác thực, đồng bộ, làm sạch hàng trăm triệu dữ liệu các lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, giáo dục – đào tạo, trẻ em, trợ giúp xã hội; hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ công nhân viên chức, quản lý cư trú,...
Về Chính phủ số, lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Việc giám sát và công bố trực tuyến bảo đảm kết quả triển khai thực chất, hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023, đây là nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương; Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số TTHC).
Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến (khoảng 425.000 lượt/ngày) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, có mũi đột phá; đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Đã tìm ra mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ, bán buôn, sản xuất chế tạo, du lịch, chăn nuôi, trồng trọt. Đã triển khai thí điểm thành công thương mại điện tử bán lẻ, bán buôn tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Bộ TT&TT, Bộ Công Thương sẽ nhân rộng, triển khai mô hình này trên toàn quốc.
Thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á.
Chứng thư chữ ký số cấp cho người dân trưởng thành năm 2024 đạt 12,5 triệu, tăng 58,61% so với năm 2023, nâng tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số lên 25%. Số lượng tài khoản VNeID đã kích hoạt trên 55,25 triệu, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng trong Đề án 06/CP; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% học sinh/sinh viên có hồ sơ học tập số; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
![Các đại biểu tham dự phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_5_51412357/808b2931117ff821a16e.jpg)
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu bật 6 bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, năm 2025, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sẽ tập trung chỉ đạo triển khai chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025.
Về phát triển Chính phủ số với mục tiêu đến năm 2030, Chính phủ số Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á và nhóm 50 nước đứng đầu thế giới theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. Về phát triển hạ tầng số với mục tiêu đến hết năm 2025 phải tăng 4 bậc theo đánh giá của Liên Hợp quốc (xếp thứ 63) và tăng 7 bậc theo đánh giá của ITU (xếp thứ 65).
Về an toàn thông tin bảo đảm 100% các hệ thống thông tin phê duyệt và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, phát triển xã hội số, phát triển dữ liệu số.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để phát triển dữ liệu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành 10 cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc xây dựng đến đâu khai thác đến đó, trong đó tập trung làm sớm là CSDL quốc gia về đất đai…