Việt Nam vươn lên đóng vai trò kết nối giao thương khu vực và toàn cầu

Ngày 14-11, theo giờ địa phương, trong chương trình Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024. Chủ tịch nước Lương Cường, với tư cách là khách mời chính, đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.

Định hình trật tự kinh tế quốc tế mới

Chủ tịch nước Lương Cường phác thảo khái quát bối cảnh thế giới đang trải qua những chuyển đổi to lớn và APEC chính là nơi để xây dựng một hệ thống quản trị kinh tế quốc tế thuận lợi nhất.

Theo đó, có 4 yêu cầu lớn. Thứ nhất, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Trong một thế giới gắn kết, lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm bởi mỗi quyết sách đưa ra đều có tác động rất lớn, dẫn đến hệ quả khôn lường.

Thứ hai, bảo đảm mọi quốc gia, mọi người dân đều được tiếp cận cơ hội bình đẳng và thụ hưởng một cách xứng đáng thành quả của hợp tác và phát triển. Để khôi phục và củng cố niềm tin đối với tự do thương mại, hội nhập kinh tế cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động về đào tạo nghề, việc làm và an sinh xã hội thì quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng.

Thứ ba, cần có các giải pháp căn cơ cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch để ứng phó hiệu quả với thách thức lớn nhất của nhân loại là biến đổi khí hậu. Đây là quá trình rất phức tạp đòi hỏi xử lý đồng bộ, hài hòa nhiều yếu tố từ nguồn vốn, công nghệ, hạ tầng, nhân lực cho đến thể chế, chính sách, các vấn đề xã hội và hiệu quả kinh tế.

Thứ tư, bảo đảm các loại công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm, bao trùm, thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Hệ thống quản trị toàn cầu về lĩnh vực đặc biệt quan trọng này phải được xây dựng trên nguyên tắc chủ đạo là cân bằng giữa khuyến khích phát triển với bảo đảm an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia và các giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại; giữa lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích riêng của doanh nghiệp; tạo cơ hội để tất cả các quốc gia cùng đóng góp và thụ hưởng từ cuộc cách mạng công nghệ.

 Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Cơ hội cho các doanh nghiệp

Sau gần bốn thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng của hòa bình, điểm sáng của kinh tế thế giới và đất nước của những cơ hội. Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch cho đến hạ tầng, logistics và các ngành công nghệ cao. Thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ mang đến nhiều lợi ích, ưu thế mà không mấy nơi có được cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Đầu tiên, Việt Nam là cửa ngõ chiến lược kết nối thị trường Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương với thế giới. Với vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, với nền kinh tế năng động, có độ mở cao và mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang vươn lên đóng vai trò cầu nối, góp phần mở rộng giao thương, kết nối khu vực và toàn cầu. Việt Nam là thị trường lớn, đầy tiềm năng; điểm đến thuận lợi cho tiến trình dịch chuyển chuỗi cung ứng ở khu vực. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài; liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng tháo gỡ các điểm nghẽn và ban hành các chính sách linh hoạt, cạnh tranh. Việt Nam đang khởi tạo một nền kinh tế mới, chuyển đổi từ nâu sang xanh, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

VIỆT ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-vuon-len-dong-vai-tro-ket-noi-giao-thuong-khu-vuc-va-toan-cau-post768567.html
Zalo