Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới

Theo giới chuyên gia, dự báo cà phê có thể tiếp tục là một trong những mặt hàng nổi bật trên thị trường hàng hóa toàn cầu năm 2025, trong đó Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới.

Giá cà phê thế giới phiên 16/1 đồng loạt giảm trên cả hai sàn London và New York. Giá cà phê arabica quay đầu giảm sau phiên tăng rất mạnh. Điều đáng nói, khi ngưỡng giá arabica đang khá cao, các hãng rang xay cà phê sẽ có xu hướng chuyển sang mua nhiều robusta.

Giá cà phê trong nước tăng mạnh sau ảnh hưởng của thị trường thế giới, hiện đang dao động trong khoảng 115.600 - 116.300 đồng/kg.

Như vậy, giá cách biệt giữa 2 loại cà phê trên sàn đang là lợi thế cho robusta. Thị trường đang rộng cửa tăng với robusta, chính là cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới.

Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ phục hồi nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia. Bên cạnh đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính sẽ cải thiện.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 17/1, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bật tăng trở lại so với hôm qua. Cụ thể, mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 115.900 đồng/kg. Trong đó, Đắk Lắk tăng 1.500 đồng/kg, đạt 116.000 đồng/kg; Lâm Đồng cũng tăng 1.600 đồng/kg, đạt 115.600 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê hôm nay tại Gia Lai ghi nhận tăng 1.600 đồng/kg, đạt 116.000 đồng/kg. Còn tại Đắk Nông cùng diễn biến tăng 1.800 đồng/kg, đạt 116.300 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More (TP HCM), dự báo giá cà phê dù ở mặt bằng cao nhưng khó phá vỡ các kỷ lục giá đã lập thời gian qua. Dù vậy, ông Luận cũng tin tưởng ở vụ này, giá cà phê Việt Nam nếu có giảm cũng sẽ không thể nào xuống dưới mốc 100.000 đồng/kg, ít nhất là đến hết quý I/2025, khi Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới.

Nguyên nhân chính được ông Luận chỉ ra là do sản lượng cà phê đã được cải thiện trong khi kinh tế thế giới khó khăn, người tiêu dùng rất quan tâm vấn đề về giá khi mua sắm.

Theo đại diện doanh nghiệp này, thị trường trong nước thời điểm mùa Tết là lúc sản phẩm cà phê có nhu cầu tiêu thụ cao nhưng doanh nghiệp đang gặp áp lực lớn trước yêu cầu giảm giá. “Tôi vừa từ chối 1 đơn hàng 1.000 hộp cà phê hòa tan muối biển để đóng gói vào giỏ quà do bên mua yêu cầu giảm giá từ 50.000 đồng/hộp xuống còn 37.000 đồng/hộp" – ông Luận thông tin đồng thời cho rằng, với mặt bằng giá nguyên liệu cà phê cao như hiện nay, người tiêu dùng nên cảnh giác với những sản phẩm có giá rẻ bất thường bởi không rõ thành phần trong đó là gì.

Có thể thấy, năm 2024 vừa qua là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành cà phê, khi các điều kiện thời tiết bất lợi gây ra thách thức về nguồn cung tại các nước sản xuất chính như Brazil và Việt Nam, cùng với sự không chắc chắn liên quan đến Quy định Chống Phá rừng của châu Âu và các yếu tố khác đã đẩy giá cà phê kỳ hạn lên mức cao kỷ lục.

Sự gia tăng này đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng cà phê nhân xanh. Trong 12 tháng tới, ngành cà phê sẽ đối mặt với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi việc người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho nhu cầu tiêu thụ cà phê của mình, trong bối cảnh những hạn chế kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, khả năng tiêu thụ cà phê cũng có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/viet-nam-van-la-nguon-cung-ca-phe-chinh-tren-the-gioi-1104687.html
Zalo