Việt Nam vẫn 'khiêm tốn' trong tận dụng ưu đãi từ siêu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới

Đó là nhận định của bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tại Hội thảo 'Đề xuất hoạt động Hợp tác kinh tế và Hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ Hiệp định AANZFTA và Hiệp định RCEP' diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội.

Việt Nam là một trong những thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, gọi tắt là RCEP, được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa 15 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác ngoài khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Thông qua RCEP, các bên cam kết từng bước tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hàng hóa giữa các bên thông qua việc xóa bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Đồng thời, từng bước tự do hóa thương mại dịch vụ, với phạm vi ngành đáng kể nhằm xóa bỏ hầu hết các hạn chế và các biện pháp phân biệt đối xử. Các bên cũng cam kết tạo ra môi trường đầu tư tự do, thuận lợi và cạnh tranh trong khu vực để tăng cường cơ hội đầu tư, tăng cường sự thúc đẩy, bảo vệ, thuận lợi, tự do hóa đầu tư giữa các bên.

Ưu đãi thuế quan các nước dành cho Việt Nam trong hiệp định RCEP.

Từ đầu năm 2022, Việt Nam đã có các thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP, các kế hoạch thực hiện hiệp định RCEP ở cấp Chính phủ cũng như cấp Bộ, ngành, địa phương để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về hiệp định. Tuy nhiên theo đánh giá hiện tại tỷ lệ tận dụng các ưu đãi trong RCEP của Việt Nam chưa cao.

“Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định RCEP, sau hai năm triển khai, kể từ ngày 1/1/2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Việt Nam có chiều hướng tăng, tuy nhiên vẫn rất khiêm tốn”, bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết.

Theo bà Chi, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp khó lường, các hiệp định thương mại được nâng cấp và đi vào hiệu lực, thể hiện nỗ lực của ASEAN trong việc củng cố liên kết kinh tế khu vực, tạo tiền đề để Việt Nam và các quốc gia thành viên ứng phó linh hoạt với các thách thức mới, đồng thời triển khai tối đa tiềm năng tăng trưởng tới các thị trường trong khu vực.

“Để đạt được mục tiêu này rất cần việc thực thi hiệu quả các hiệp định FTA, bắt đầu bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, từ khung pháp lý cho đến nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan liên quan của Việt Nam”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên nhìn nhận.

Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương trình bày tại Hội thảo.

Đây cũng là vấn đề bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc điều phối quốc gia, Chương trình Thương mại vì Phát triển (RT4D) đề cập tại Hội thảo: “Tôi băn khoăn làm sao, làm thế nào để các các phòng ban liên quan đến các hiệp định này tham gia sâu rộng hơn vào các chương trình hợp tác kinh tế ASEAN, Australia, New Zealand? Làm sao để Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn từ những cam kết hỗ trợ kỹ thuật và từ những dự án trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao”.

Một tín hiệu tích cực, bà Mai đánh giá thời gian qua, các phòng ban thuộc các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã nỗ lực để triển khai các hiệp định thương mại tự do hiệu quả, tạo ra những giá trị mới và đi sâu hơn vào các chương trình hợp tác giữa các nước ASEAN, Australia và New Zealand.

“Nỗ lực của mỗi một phòng ban đang tạo nên một tiến trình hợp tác chưa từng có trước đây trong khối AANZ”, bà Mai cho biết.

Tại Hội thảo, các chuyên gia bày tỏ tin tưởng, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam trực tiếp triển khai các hiệp định, cùng với sự hỗ trợ của RT4D, sẽ đạt được những kết quả thiết thực, tạo nền tảng vững chắc cho các bước đi tiếp theo trong tiến trình hội nhập khu vực của Việt Nam.

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô thị trường lớn nhất thế giới - tương đương khoảng 30% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu. Thành viên tham gia hiệp định đa dạng, gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản), các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.

Hiệp định bao gồm những nguồn cung nguyên liệu lớn trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN), giúp kết nối 4 FTA ASEAN+ hiện hành nhưng áp dụng duy nhất một bộ quy tắc xuất xứ, góp phần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, từ đó thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng.

Chương trình Thương mại vì Phát triển (RT4D) được tài trợ bởi chính phủ Úc và New Zealand, với mục tiêu là hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) đã được nâng cấp.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-van-khiem-ton-trong-tan-dung-uu-dai-tu-sieu-hiep-dinh-thuong-mai-lon-nhat-the-gioi-1104139.html
Zalo