Việt Nam và khát vọng xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu
Bằng việc phát huy thế mạnh, triển khai chính sách chiến lược và duy trì cam kết cải cách, Việt Nam đang trên con đường trở thành điểm đến tài chính mới của khu vực và thế giới.

TP.HCM đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế năng động. Ảnh: Lê Hoàng Mến
Câu thoại kinh điển: “Nếu bạn xây dựng nó, họ sẽ đến” trong bộ phim Field of Dreams (Cánh đồng mơ ước) từ năm 1989 đã truyền cảm hứng cho những ai dấn thân vào các dự án đầy tham vọng. Trong phim, một cánh đồng bắp ở Iowa (Mỹ) đã được biến thành sân bóng chày kỳ diệu, nhằm mời gọi những huyền thoại quá cố trở lại thi đấu.
Câu nói này thường vang vọng trong tôi mỗi khi tôi nghĩ đến kinh tế vi mô tại Việt Nam, nơi những doanh nhân trẻ thường dựng các quầy hàng ven đường để bán cà phê, nước trái cây, đồ ăn... Dù xuất phát điểm khiêm tốn, họ vẫn thu hút được nhiều khách qua đường, tạo nên không gian cộng đồng, gắn kết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng như những người khởi nghiệp này, Việt Nam đang nuôi khát vọng kiến tạo một hệ sinh thái tài chính hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và trở thành chất xúc tác cho các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng hai trung tâm tài chính lớn: Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Khác với hình ảnh ẩn dụ trong bộ phim Field of Dreams, việc phát triển các trung tâm này không đơn thuần là xây xong và chờ nhà đầu tư tìm đến, mà cần chủ động tạo dựng môi trường hấp dẫn đáp ứng kỳ vọng của giới đầu tư, thực thi các kế hoạch táo bạo để thúc đẩy đất nước phát triển hơn nữa. Việt Nam phải kiến tạo những trung tâm tài chính nổi bật trong khu vực Đông Nam Á, gây chú ý toàn cầu nhờ hạ tầng hiện đại và khung pháp lý đủ để hấp dẫn dòng vốn quốc tế.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025, Chính phủ kỳ vọng huy động nguồn lực tư nhân vào phát triển các trung tâm tài chính hướng tới nhà đầu tư.
Apex Group cam kết mở rộng hoạt động tại Việt Nam và khu vực. Giống như các định chế tài chính đang tìm cách xây dựng các quỹ đầu tư hoặc huy động vốn, chúng tôi muốn Apex có mặt tại đây.
Việt Nam là thị trường chiến lược trong định hướng phát triển của Apex và việc thiết lập khung pháp lý cho các trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương rất quan trọng đối với chúng tôi cũng như các nhà quản lý tài sản toàn cầu mà chúng tôi phục vụ.
Trung tâm tài chính hoạt động theo mô hình nào?
Để hiểu rõ tầm nhìn của Việt Nam, trước tiên, cần xác định trung tâm tài chính là gì.
Theo nghĩa rộng, đây là địa điểm tập trung các hoạt động tài chính lớn, mà những thành phố như New York hay London là minh chứng điển hình. Các thành phố này phát triển qua nhiều thế hệ để trở thành đầu tàu tài chính toàn cầu, liên tục thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, định nghĩa một cách cụ thể hơn, một trung tâm tài chính quốc tế có thể hoạt động trong một thành phố, nhưng tuân thủ hệ thống pháp luật và quy định riêng biệt. Nó thường được đặt trong một khu vực chỉ định, với cơ chế vận hành và các chính sách ưu đãi riêng, khác biệt với hệ thống pháp luật chung của quốc gia.
Khát vọng xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu của Việt Nam bắt nguồn từ nền kinh tế năng động, hạ tầng hiện đại và di sản văn hóa có chiều sâu.
- Ông Tyler McElhaney
Một số ví dụ điển hình gần đây về trung tâm tài chính quốc tế thành công có thể kể đến Dubai (DIFC), Abu Dhabi (ADGM) và Riyadh (KAFD). Những thành phố này đã phát triển các “thành phố trong lòng thành phố”, với khung luật, quy định và chính sách riêng để thu hút hoạt động tài chính.
Thành công của Dubai và Abu Dhabi trong 2 thập kỷ qua đặc biệt đáng chú ý, khi họ chuyển mình thành các trung tâm tài chính toàn cầu, thúc đẩy cả dòng vốn vào và ra, qua đó củng cố vị thế trên bản đồ tài chính thế giới. Abu Dhabi thậm chí được mệnh danh là “thủ đô của các nguồn vốn đầu tư”. Điều này minh chứng cho tiềm năng khi một thành phố tập trung xây dựng môi trường tài chính đẳng cấp toàn cầu.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam khó có thể sánh được với Trung Đông do thiếu nguồn lực tài chính từ dầu mỏ. Tuy nhiên, Việt Nam sở hữu những lợi thế độc đáo mà Trung Đông không có, khi khởi động các trung tâm tài chính quốc tế.
Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam có thể tự hào về hành trình thầm lặng và chiến lược “ngoại giao cây tre”. Đây là giá trị khác biệt mà rất ít quốc gia có được.
Dù không giàu tiền bạc, nhưng Việt Nam đã bồi đắp sức mạnh từ trí tuệ, bản lĩnh và sự kiên định - điều mà tiền không thể mua được. Lãnh tụ Hồ Chí Minh không xuất thân từ nhung lụa, nhưng đã trở thành biểu tượng của trí tuệ và tài năng ngoại giao.
Cũng như vậy, Việt Nam có thể vươn lên nhờ nguồn vốn trí tuệ và xã hội, thay vì phụ thuộc vào sức mạnh tài chính đơn thuần.
Những yếu tố then chốt trong phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam
Thứ nhất, tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh mẽ. TP.HCM và Đà Nẵng trong vài thập kỷ qua đã chuyển mình thành các trung tâm kinh tế sôi động, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Để duy trì đà phát triển này, cần có trung tâm tài chính đủ tầm để hỗ trợ và đồng hành. Tuy nhiên, không nên triển khai vội vàng, mà cần chiến lược rõ ràng.
Việt Nam vốn nổi tiếng với những quyết định thận trọng và có tầm nhìn. Trọng tâm ở đây là khả năng thích nghi nhanh với thị trường, đổi mới không ngừng và cam kết cải tiến liên tục.
Thứ hai, kết nối với Singapore và Trung Đông. Việt Nam là mắt xích quan trọng trong khu vực ASEAN và thế giới, có thể trở thành cửa ngõ dẫn đến thương mại, đầu tư và tài chính toàn cầu. Sự hợp tác chặt chẽ với các trung tâm tài chính quốc tế khác như Singapore, Dubai hay Abu Dhabi có thể giúp Việt Nam tận dụng sức mạnh bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng cơ hội đầu tư lẫn nhau.
Một vấn đề quan trọng nữa là áp dụng hệ thống thông luật (common law). Đây là bước đột phá then chốt nếu Việt Nam muốn cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi toàn cầu. Dubai là ví dụ điển hình, dù vận hành theo hệ thống dân luật (civil law), họ đã áp dụng hệ thống thông luật riêng cho DIFC, nhờ đó thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Về cơ bản, các hệ thống thông luật có tính ổn định và dự đoán được (dựa vào tiền lệ, giúp nhà đầu tư yên tâm); tính linh hoạt cao (có thể thích ứng nhanh với điều kiện kinh tế thay đổi); đảo đảm thực thi hợp đồng (giảm thiểu rủi ro pháp lý trong giao dịch tài chính); tăng cường niềm tin đối với nhà đầu tư (nhờ cơ chế xét xử minh bạch và bảo vệ quyền sở hữu); khả năng đổi mới pháp lý (giúp xử lý các tình huống phức tạp chưa từng có tiền lệ trong tài chính).
Ngoài ra, cũng cần một loạt yếu tố bổ trợ khác, bao gồm: cải cách pháp lý và quản lý (nâng cấp quy định tài chính, hỗ trợ đổi mới sáng tạo như fintech và blockchain); hạ tầng số và vật lý (đầu tư vào ngân hàng số, logistics, hạ tầng giao thông); phát triển nhân lực (đào tạo chuyên gia tài chính, thu hút nhân tài quốc tế); tăng tính thanh khoản và minh bạch (phát triển thị trường vốn, sản phẩm tài chính mới, cải thiện minh bạch dữ liệu); tích hợp ESG (phát triển tài chính xanh, thu hút vốn đầu tư bền vững); tăng khả năng tiếp cận tài chính (hỗ trợ ngân hàng số, tài chính vi mô ở nông thôn).
Thứ ba, thúc đẩy đầu tư và công nghệ tài chính. Theo đó, Việt Nam cần ưu tiên đổi mới trong fintech, tài sản số và tài chính xanh để duy trì vị thế tiên phong. Quan trọng là phải nhìn về tương lai thị trường, chứ không chỉ hiện tại. Bằng cách kết hợp chiến lược ưu đãi và hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể nâng tầm lĩnh vực tài chính lên một đẳng cấp mới.
Trong các dịch vụ tài chính xuyên biên giới và nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, Việt Nam cần chú trọng hợp tác với các ngân hàng toàn cầu, thu hút các ngân hàng hàng đầu thế giới vào các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, tài trợ thương mại, quản lý tài sản.
Việt Nam cũng cần phải hợp tác với Singapore và các trung tâm tài chính để tăng dòng vốn đầu tư, đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh, phát triển khung đầu tư ESG và xây dựng hệ sinh thái dịch vụ bao gồm quản lý quỹ, tư vấn thị trường vốn, tín dụng tư nhân, văn phòng gia đình.
Thêm vào đó, cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc quảng bá Việt Nam như điểm đến đầu tư chiến lược. DIFC dù đã thành công vẫn tiếp tục tổ chức roadshow toàn cầu để thu hút đầu tư, Việt Nam cũng cần làm tương tự, cần nỗ lực liên tục để nâng tầm hình ảnh đất nước.
Khát vọng xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu của Việt Nam bắt nguồn từ nền kinh tế năng động, hạ tầng hiện đại và di sản văn hóa có chiều sâu. Bằng việc phát huy thế mạnh, triển khai chính sách chiến lược và duy trì cam kết cải cách, Việt Nam đang trên con đường trở thành điểm đến tài chính mới của khu vực và thế giới.