Việt Nam và EU sẽ bàn giải pháp hướng tới tương lai xanh tại GEFE 2024
Tại GEFE 2024, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng thúc đẩy các giải pháp hướng tới tương lai bền vững: khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, số hóa cho nền tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng bền vững – những yếu tố then chốt để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050...
Ngày 24/9, tại buổi họp báo công bố Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024, ông Bruno Jaspaert, Tân Chủ tịch EuroCham cho rằng cơn bão số 3 đã gây thiệt hại trên diện rộng ở 26 tỉnh thành, không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần với con số thương vong cao, nhắc nhở chúng ta rằng biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời mà là một cuộc khủng hoảng cấp bách đòi hỏi hành động chung tay tức thời.
GEFE 2024 sẽ là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với những thực tế cấp bách của biến đổi khí hậu. Đồng thời, GEFE cũng là điểm hẹn để các công ty châu Âu giới thiệu các giải pháp tiên tiến nhất của họ, giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”, GEFE 2024 sẽ tập trung vào nhu cầu cấp bách về hành động trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế xanh hơn cho Việt Nam.
Với gần 30 phiên hội thảo trải dài trên 10 chuyên đề xanh và một phiên khai mạc cấp cao, GEFE 2024 là nền tảng lý tưởng để khám phá các chủ đề phát triển bền vững đa dạng.
Với hơn 8.000 khách mời từ nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc đối thoại B2B và B2G, người tham dự sẽ có cơ hội tương tác với các nhà lãnh đạo ngành và quan chức chính phủ.
Đặc biệt, phiên khai mạc cấp cao ngày 21/10 sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo cao cấp từ khu vực công và tư nhân. Dự kiến Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự. Ngoài ra có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary ông Péter Szijjártó, Bộ trưởng phát triển Hợp tác và ngoại thương Phần Lan Ville Tapani Tavio, Phó đại diện thương mại Anh tại Đông Nam Á, bà Rhiannon Harries – Cao ủy Anh tại Singapore, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, ông Julien Guerrier- Đại sứ EU tại Việt Nam…
Phiên khai mạc cấp cao và các phiên hội thảo chuyên đề của GEFE 2024 sẽ tập trung vào thúc đẩy Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), tích hợp các giải pháp năng lượng bền vững thông qua Quy hoạch điện 8, và triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU.
Ngoài ra, các chủ đề như Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, định giá carbon, tài chính xanh cho biến đổi khí hậu và chuyển đổi hệ thống canh tác tái tạo, mô hình kết cấu hạ tầng xanh và quản lý nước mưa sáng tạo… sẽ mang lại những giải pháp thực tiễn từ các nhà lãnh đạo trong cả khu vực công và tư nhân.
Với sự tham gia tích cực của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cùng những đóng góp quan trọng của vương quốc Anh và Thụy Sỹ, GEFE 2024 sẽ là minh chứng cho mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Việt Nam và châu Âu, thúc đẩy tiến trình chung hướng tới một tương lai xanh, hiện thực hóa Net-Zero.
“Sự tham gia của các đại diện cấp cao từ châu Âu sẽ làm phong phú thêm.Các cuộc đối thoại với những quan điểm toàn cầu và các giải pháp thực tiễn, khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng quốc tế - đặc biệt là châu Âu trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam”, ông Alain Cany, Đồng Trưởng ban tổ chức GEFE kiêm Chủ tịch Ban Cố vấn EuroCham Việt Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, chia sẻ với tư cách nhà đầu tư, doanh nghiệp châu Âu không chỉ tìm kiếm lợi nhuận ở Việt Nam mà còn mong muốn mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu đang đi đầu không chỉ trong lĩnh vực công tư mà còn hướng tới tương lai xanh hơn. Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu nên vai trò của EU là đồng hành cùng các đối tác thương mại trên toàn cầu về cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn của các doanh nghiệp EU còn quan trọng hơn việc xem xét các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (4 năm), thương mại song phương hai nước đã tăng 40%. Điều này có nghĩa hiệp định không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai bên mà các doanh nghiệp EU đã mang đến Việt Nam sự tăng trưởng, việc làm, công nghệ, sự phát triển bền vững và quan tâm bảo vệ môi trường.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp EU sẽ hỗ trợ Việt Nam trong định hướng này. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để đạt được tương lai đó. Đây là con đường không hề dễ dàng nhưng EU cam kết hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 21-23/10/2024,được đồng chủ trì bởi EuroCham và Bộ Công Thương.
GEFE 2024 sẽ giới thiệu các công nghệ và giải pháp xanh tiên tiến từ cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Với 13 khu trưng bày từ 13 quốc gia, khách tham quan sẽ có cơ hội khám phá những đổi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và công nghệ thông minh về khí hậu.