Việt Nam và Bangladesh là thị trường lớn, giàu tiềm năng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quan hệ Việt Nam -Bangladesh phát triển tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng. Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác...
Chiều 22/9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn Doreen, Monem, Hiệp hội Công nghiệp Dược phẩm Bangladesh (BAPI) và lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Bangladesh (ATAB); tiếp Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh - Việt Nam (BVCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI).
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Bangladeshnghiên cứu đầu tư, hợp tác với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam để phát triển thị trường, hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực các tập đoàn Bangladesh có thế mạnh như bất động sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm, xây dựng khu công nghiệp, du lịch…
Lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp Bangladesh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quan hệ Việt Nam-Bangladesh phát triển tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng... Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác.
Trao đổi thông tin về tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tính đến hết tháng 8/2023, Việt Nam có 37.084 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 453,26 tỷ USD từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Bangladesh có tổng cộng 19 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 940.000 USD.
Khẳng định Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định, dân số đông với tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, với những nội dung các doanh nghiệp bạn quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam và Bangladesh là thị trường lớn, giàu tiềm năng cho việc tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.
Báo cáo và trao đổi thông tin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các tập đoàn mong muốn tìm hiểu thị trường, triển khai các dự án hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin về một số chính sách định hướng, chương trình xây dựng pháp luật gần đây, trong đó sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tập đoàn, tổ chức hiệp hội của doanh nghiệp với mạng lưới chi nhánh rộng lớn sẽ là cầu nối đưa các nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài Bangladesh đến đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu thông tin của doanh nghiệp Việt Nam đến các doanh nghiệp trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Bangladesh (ATAB)-là tổ chức đại diện cho khoảng 3.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và du lịch của Bangladesh. ATAB hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm cơ hội kinh doanh, khai thác các thị trường tiềm năng nhằm thúc đẩy hoạt động hàng không, du lịch giữa Bangladesh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Lãnh đạo ATAB và các tập đoàn kinh tế của Bangladesh cũng cho rằng Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và châu lục, có sự phát triển bùng nổ sau đại dịch Covid-19. Theo họ, đây là những điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hai nước, thúc đẩy, phát triển hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước thời gian tới.
Trong chiều 22/9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông Joshoda Jibon Nath, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chính sách, Pháp luật thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong chuyến thăm này, có lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng hàng trăm doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất chính sách thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cũng mong Bangladesh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu đầu tư, kinh doanh lâu dài, đồng thời cho biết sẵn sàng đón các doanh nghiệp Bangladesh sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh-Việt Nam (BVCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI), Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, đề đạt thẳng thắn của lãnh đạo các tổ chức đại diện doanh nghiệp Bangladesh, khẳng định các hoạt động hiệu quả trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp của Bangladesh cũng như thể hiện vai trò quan trọng làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh và Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm ăn và kinh doanh tại nước sở tại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng với tiềm năng, thế mạnh của hai nền kinh tế với dân số đông, trước điều kiện, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, cơ chế chính sách thông thoáng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Bangladesh đến Việt Nam tìm hiểu, kết nối cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, vì lợi ích của hai bên. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tìm hiểu kinh nghiệm về lĩnh vực cung ứng nguyên liệu, mô hình xanh hóa trong ngành may mặc của Bangladesh, để xúc tiến thương mại, hợp tác nâng cao giá trị gia tăng của các loại sản phẩm…
Nhân dịp này, lãnh đạo các tổ chức đại diện doanh nghiệp Bangladesh bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm mở đường bay thẳng để thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước nắm bắt đầy đủ thông tin, qua đó hiện thực hóa các chương trình thúc đẩy kinh tế, hợp tác kinh doanh mang lại hiệu quả.
Trước đó, sáng 22/9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Bangladesh - Việt Nam Shamsher M.Chowdhury, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Trong 50 năm qua, tài sản lớn nhất và quý nhất là tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; đồng thời bày tỏ mong muốn trong chương mới của quan hệ hai nước 50 năm tới sẽ được viết tiếp với tầm mức cao hơn, hiệu quả cao hơn và người dân đóng vai trò quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau chuyến thăm này sẽ chỉ đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Hội hữu nghị Bangladesh - Việt Nam trong các hoạt động hợp tác, xem xét việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Bangladesh trong thời gian tới.
Ông Chowdhury nhấn mạnh cùng với phát triển tốt đẹp quan hệ chính trị, ngoại giao, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa nhân dân 2 nước; là cơ hội mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân dân 2 nước, để người dân Bangladesd cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp với người dân Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, ông Chowdhury cho biết, sắp tới Hội sẽ đề xuất Chính phủ Bangladesh về việc có thể đặt tên đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Dhaka.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nếu đề xuất thành công thì điều này có ý nghĩa lớn. Đồng thời bày tỏ sự nhất trí về việc Hội phối hợp với 2 nhóm Nghị sĩ hữu nghị để tăng cường, thắt chặt quan hệ ngoại giao nhân dân; đồng thời đề nghị Hội góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư 2 nước với việc giới thiệu, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, kết nối với nhau, từ đó góp phần tăng cường giao lưu nhân dân; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh ngày càng hòa nhập và có những đóng góp vào xã hội sở tại.