Việt Nam và Anh trao đổi kinh nghiệm đánh giá tác động nghiên cứu khoa học

Theo phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh, từ ngày 7 - 18/12, đoàn công tác do Bộ Khoa học Công nghệ dẫn đầu đã có chuyến thăm và học tập kinh nghiệm đánh giá nghiên cứu khoa học tại Anh theo chương trình tập huấn chuyên sâu do Đại học Portsmouth và Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) phối hợp tổ chức.

Đoàn công tác tham quan phòng lab của trường đại học Coventry. Ảnh: Phong Hà/PV TTXVN tại Anh

Đoàn công tác tham quan phòng lab của trường đại học Coventry. Ảnh: Phong Hà/PV TTXVN tại Anh

Với chủ đề Kinh nghiệm đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế - Tham khảo Khung đánh giá nghiên cứu xuất sắc (Research Excellence Framework-REF) của Vương quốc Anh, chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Đề án đào tạo bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 2395) của Chính phủ Việt Nam được đồng tài trợ bởi Quỹ Đối tác khoa học quốc tế (Quỹ ISPF) do Hội đồng Anh tại Việt Nam điều phối. Cơ quan thường trực Đề án là Học viện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học Công nghệ.

Trong chuyến tập huấn, đoàn công tác gồm lãnh đạo và cán bộ quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ các bộ: Khoa học Công nghệ; Tài chính; Giáo dục Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Cao Bằng, đã tham gia các hội thảo với diễn giả là các giáo sư, học giả về đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 5 trường đại học của Anh gồm Portsmouth, UCL (University College London), Warwick, Coventry và Middlesex.

Các hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề như đánh giá tác động nghiên cứu - kinh nghiệm của Anh, quốc tế và Việt Nam; hỗ trợ nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp - kỹ năng và kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh xây dựng doanh nghiệp và tìm nguồn tài trợ; phát triển mạng lưới và đối tác nghiên cứu; ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; chiến lược và hoạt động nghiên cứu quốc tế; trao đổi kiến thức (Knowledge exchange-KE) và đánh giá tác động nghiên cứu…

Ngoài các hội thảo, chương trình gồm các cuộc làm việc nhóm, các phiên thảo luận trong đó các diễn giả và học viên hỏi đáp, cập nhật và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng nghiên cứu, tạo ra kiến thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cũng như các thách thức trong quá trình này. Học viên cũng tham quan các cơ sở nghiên cứu, trung tâm công nghệ, phòng thí nghiệm tại các trường đại học trên nhằm cập nhập các tiến bộ công nghệ và thành tựu đổi mới sáng tạo.

Trưởng đoàn công tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó giám đốc Học viện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đánh giá cao kết quả chuyến công tác. Ông cho biết với sự tham gia của các giáo sư là thành viên của Hội đồng đánh giá nghiên cứu Vương quốc Anh hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá, chương trình tập huấn cung cấp các kiến thức hữu ích về các yêu cầu và kỹ năng đánh giá cũng như kinh nghiệm triển khai thực hiện, đặc biệt là việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch VIS, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, cho rằng chương trình tập huấn rất hữu ích đối với cả Việt Nam và Anh, giúp hai bên chia sẻ kiến thức, học hỏi về thực tế đánh giá nghiên cứu ở mỗi nước, đặc biệt đối với Việt Nam trong hoạt động đánh giá hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác giữa các trường đại học hai nước, khẳng định VIS sẵn sàng đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu của hai nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đoàn công tác chụp tại buổi làm việc với đại học Middlesex. Ảnh: Hữu Tiến/PV TTXVN tại Anh

Đoàn công tác chụp tại buổi làm việc với đại học Middlesex. Ảnh: Hữu Tiến/PV TTXVN tại Anh

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Giáo sư Janet Jones, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu toàn cầu và trao đổi kiến thức tại Đại học Middlesex, bày tỏ vui mừng được đón đoàn công tác tới trao đổi kinh nghiệm quản lý REF - cơ sở hạ tầng đã được phát triển tại Anh trong 25 năm qua nhằm đánh giá, thúc đẩy và đảm bảo độ tin cậy và tính xác thực của các nghiên cứu. Bà cho biết quản lý REF là một thế mạnh truyền thống của Đại học Middlesex, hy vọng hội thảo tại trường đáp ứng được nhu cầu của đoàn Việt Nam trong tìm hiểu về quản lý nghiên cứu xuất sắc tại Anh.

Giáo sư Jones nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, cho rằng quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Anh đang phát triển tốt đẹp không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong trao đổi sinh viên và giảng dạy và học tập và hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Bà cho biết Đại học Middlesex đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu với Việt Nam từ nhiều năm trước, trong đó nổi bật là hợp tác về bản sao số (digital twin), công nghệ có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe đến nông nghiệp bền vững, đồng thời bày tỏ mong muốn Đại học Middlesex sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong tương lai.

Minh Hợp - Hữu Tiến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-va-anh-trao-doi-kinh-nghiem-danh-gia-tac-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-20241218093048945.htm
Zalo