Việt Nam tự chủ nhiều loại vaccine thú y quan trọng

Liên tục cập nhật các công nghệ hiện đại, Việt Nam đã tự sản xuất nhiều loại vaccine thú y quan trọng, thậm chí còn xuất khẩu thành công ra thế giới.

Nhanh chóng gia nhập cuộc đua sản xuất vaccine thú y

Theo TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, Việt Nam dễ dàng phát sinh các bệnh lây truyền trên đàn vật nuôi, như cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục...

“Hầu như thế giới mắc bệnh gì, chúng ta có bệnh đó, ngoại trừ bệnh bò điên chưa mắc”, ông Long nói tại Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”, diễn ra ngày 28/12. Diễn đàn do Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng gia tăng và biến đổi nhanh chóng, vaccine thú y là biện pháp cần thiết để ngăn bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, đặc biệt với những bệnh do virus gây ra và không có thuốc chữa.

Những năm gần đây, bằng cách tích cực hợp tác, chuyển giao công nghệ từ quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; từ đó sản xuất được 218 loại vaccine.

Trong đó, có một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Vaccine cúm gia cầm từ năm 2012; vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.

Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn của ngành sản xuất vaccine nội địa, được cả thế giới công nhận.

Việt Nam hiện có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y đạt mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy.

Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

“Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá.

Vaccine hiện đại vẫn “thua” tâm lý chủ quan

Tự chủ được vaccine nhưng nếu không được tiêm phòng đẩy đủ, khả năng phòng tránh bệnh dịch tại Việt Nam vẫn không thể đạt hiệu quả.

Ông Trần Anh Hoạt, Phó giám đốc Công ty Amavet, cho biết bệnh lở mồm long móng có tỷ lệ mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp, gây nên tâm lý chủ quan cho người nuôi. Dù vậy, bệnh này có nhiều nguy cơ như giảm năng suất thịt, sữa, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm thịt từ trâu, bò, lợn.

“Theo quy định của WOAH, muốn xuất khẩu được phải không có bệnh lở mồm long móng”, ông Hoạt nói.

Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về số lượng con và thứ 6 về sản lượng thịt trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia sản xuất thịt lợn đứng thứ 6 thế giới.

Việt Nam là quốc gia sản xuất thịt lợn đứng thứ 6 thế giới.

Tuy nhiên, thông tin từ Cục thú y cho thấy 3 năm trở lại đây, dịch lở mồm long móng có nguy cơ tăng mạnh. Sau thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh, đến 2024, dịch lở mồm long móng tăng gấp 3 lần, với tỷ lệ tiêm phòng vaccine trên đàn gia súc chỉ đạt 50%.

Ngoài ra, nhiều dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi cũng có tỷ lệ tiêm phòng thấp, gây nguy cơ bùng phát mạnh hơn trong 2025.

Ví dụ với bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm 2024, đã có 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổn thất kinh tế do bệnh dại gây ra lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý đàn chó chưa tốt và việc kiểm soát bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện nay mới chỉ đạt 60%.

Tương tự, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine (34 triệu liều) vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

“Nếu chúng ta không hành động quyết liệt, dù công nghệ hiện đại đến mấy, vaccine sản xuất tốt đến mấy nhưng quan trọng nhất là không đưa vào sử dụng thì cũng sẽ không hiệu quả”, ông Long nhấn mạnh.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-tu-chu-nhieu-loai-vaccine-thu-y-quan-trong-d236357.html
Zalo