Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác toàn diện lĩnh vực giao thông vận tải
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh có cuộc họp song phương với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Lưu Vỹ nhằm trao đổi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước.
Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ, hai bên đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp để trao đổi, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động vận tải đường bộ quốc tế Việt - Trung như: Thị thực cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, về vận tải hàng hóa hai chiều giữa hai nước, về đại lý giám sát hải quan đối với vận tải hàng hóa vào sâu nội địa hai nước… Đề xuất các nội dung nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ quốc tế qua ba nước Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Lưu Vỹ chào mừng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Trần Hồng Minh đến thăm và làm việc. (Ảnh: Vụ Hợp tác quốc tế)
Thời gian tới, hai bên chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để có thể ký kết ba văn kiện: Hiệp định, Nghị định thư xây dựng công trình giao thông đường bộ cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang, Việt Nam) - Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc); Bản ghi nhớ về hợp tác đường bộ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vào tháng 4/2025.
Ngoài ra, trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước trong hợp tác, kết nối đường sắt hai nước.
Từ cuối năm 2023 đến tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam (nay là Bộ Xây dựng) cùng với Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc và Tổng cục hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) đã ký 6 văn kiện để thúc đẩy triển khai xây dựng các đường sắt kết nối này.
Dự kiến thời gian tới sẽ ký tiếp 3 văn kiện: Bản ghi nhớ giữa Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam về việc thành lập Ủy ban Hợp tác đường sắt Trung - Việt; Công thư trao đổi về lập Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; Biên bản hội đàm khảo sát thực địa, đánh giá tính khả thi Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Bộ trường Trần Hồng Minh, để thúc đẩy triển khai các hợp tác tới đây hiệu quả, nhất là dự án đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đề nghị Bộ trưởng Lưu Vỹ báo cáo Chính phủ Trung Quốc và có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, CIDCA, Bộ Thương mại sớm thực hiện các công việc quan trọng.
Theo đó, sớm phê duyệt và trao công hàm về viện trợ không hoàn lại đối với công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/s) dự án đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Giới thiệu doanh nghiệp Trung Quốc có đủ năng lực để liên danh, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự án, từ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát, xây lắp, sản xuất, lắp ráp đầu máy, toa xe… Trong đó đáng chú ý là huy động trước nhân lực để triển khai ngay công tác lập F/s.
Ngoài ra, chỉ định đầu mối chủ trì và đàm phán hiệp định vay vốn Hiệp định khung cung cấp khoản vay của Chính phủ Trung Quốc để sớm ký kết được Hiệp định vay vốn cho Dự án nhằm có thể khởi công cuối năm 2025. Sớm chỉ định tư vấn lập quy hoạch hai tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Trong các ngày 24 đến 26/3/2025 tới, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trần Hồng Minh dẫn đầu thăm và làm việc tại Trung Quốc.