Việt Nam trao đổi kinh nghiệm với nhiều quốc gia để phát triển thị trường Carbon

Bên lề Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia COP 29 tại Azerbaijan, Việt Nam đã có các buổi gặp mặt song phương với nhiều quốc gia để trao đổi kinh nghiệm.

Bên lề Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Azerbaijan, Việt Nam đã có các buổi gặp mặt song phương với nhiều quốc gia như Thụy Sĩ, Zealand để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc gặp song phương.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc gặp song phương.

Tại cuộc gặp ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ chia sẻ, Thụy Sĩ hiện là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong triển khai thí điểm các dự án trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris.

Thời gian qua, cơ quan đầu mối phía Thụy Sĩ đã trao đổi, làm việc với các cơ quan, tổ chức phía Việt Nam để xác định một số dự án tiềm năng để thí điểm (dự án xe điện, dự án tưới tiêu trong nông nghiệp, dự án khí gas sinh học, dự án làm mát xanh).

Triển khai thị trường các-bon theo Điều 6 sẽ là trợ lực về tài chính quan trọng để các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đạt được các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Thụy Sĩ mong muốn có thể chính thức khởi động một thỏa thuận song phương về trao đổi tín chỉ các-bon với Việt Nam, trên cơ sở làm rõ lộ trình cần thiết.

Ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ, bày tỏ mong muốn hai nước sẽ hợp tác trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ, bày tỏ mong muốn hai nước sẽ hợp tác trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trao đổi tín chỉ các-bon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris là vấn đề mới. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, chi tiết các mục tiêu cụ thể cho từng ngành.

Đây là cơ sở để đánh giá cần bao nhiêu tín chỉ các-bon mới đủ đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải theo NDC, và còn lại bao nhiêu tín chỉ các-bon có thể đưa vào trao đổi theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Để tổ chức và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung một số quy định có liên quan tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó có quy định về nguyên tắc triển khai các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đa phương, song phương.

Việt Nam cũng có kinh nghiệm triển khai trao đổi tín chỉ các-bon theo Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) với Nhật Bản, và đang rà soát lại để điều chỉnh một số quy định liên quan. Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia khác về Điều 6.2, bao gồm các quy định triển khai cần thiết, các báo cáo quốc tế về trao đổi tín chỉ các-bon theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Đồng thời, đề xuất nội dung cụ thể về trao đổi tín chỉ các-bon giữa Việt Nam và Thụy Sĩ để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Felix Wertli, Đại sứ biến đổi khí hậu của Thụy Sĩ, cho rằng, các cơ quan đầu mối của hai nước cần dành thời gian thảo luận về các dự án thí điểm, đề xuất dự thảo thỏa thuận hợp tác trao đổi tín chỉ từ năm sau. Dự án giảm phát thải theo Điều 6 có thể có thời hạn kéo dài đến năm 2030 hoặc 2035. Đại sứ Thụy Sĩ cũng đề xuất cần tổ chức hội thảo khởi động các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Ủng hộ cách tiếp cận bằng các dự án cụ thể, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng đây là tiền đề để xây dựng các quy định phù hợp với pháp luật của Việt Nam, hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết một cách nhanh chóng. Hai bên đồng tình sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm để có thể xây dựng các dự án một cách nhanh chóng, chú trọng yếu tố đổi mới sáng tạo và đem lại hiệu quả giảm phát thải một cách thực chất, gắn với các lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam.

Tại cuộc gặp song phương với ông Simon Watts - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu và đã có những cam kết mạnh mẽ, bao gồm cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và kế hoạch triển khai tổng thể.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tiếp Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tiếp Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 và sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tín chỉ các-bon và trao đổi tín chỉ với quốc tế. Theo kế hoạch, Việt Nam dự kiến thí điểm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở vào năm 2025, và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của New Zealand trong việc vận hành, phát triển thị trường các-bon.

Bộ trưởng Simon Watts chia sẻ, New Zealand có hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính lâu đời thứ hai trên thế giới nên có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm với Việt Nam. New Zealand đề xuất, hai Bộ có thể đưa nội dung này vào Thỏa thuận hợp tác vào năm tới, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng New Zealand đến Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của 2 nước.

Ông Simon Watts - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand - chia sẻ những thế mạnh của New Zealand trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Ông Simon Watts - Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu New Zealand - chia sẻ những thế mạnh của New Zealand trong ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Theo ông Simon Watts, giảm phát thải trong nông nghiệp có thể là ưu tiên hợp tác của hai nước trên cơ sở các thế mạnh sẵn có. Tại COP 29 lần này, New Zealand quyết định đóng góp 20 triệu USD cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hỗ trợ các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á, và ủng hộ việc thiết lập một mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu mới cho giai đoạn sắp tới.

Với một số ưu tiên trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đề nghị phía New Zealand hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2020, 2022 và thực hiện NDC3.0 cho giai đoạn 2025-2035 Việt Nam đang xây dựng.

Hà An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viet-nam-trao-doi-kinh-nghiem-voi-nhieu-quoc-gia-de-phat-trien-thi-truong-carbon-ar909560.html
Zalo