Việt Nam trân trọng đóng góp của Giáo hoàng Francis và cộng đồng công giáo
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chia buồn cùng Tòa thánh Vatican và trân trọng đóng góp của Giáo hoàng Francis cũng như toàn thể cộng đồng công giáo trong và ngoài nước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 24-4, trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã đưa ra bình luận về việc Giáo hoàng Francis qua đời.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: VTV/GettyImages
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chia buồn cùng Tòa thánh Vatican và trân trọng đóng góp của Giáo hoàng Francis cũng như toàn thể cộng đồng công giáo trong và ngoài nước.
“Ngay sau khi nhận thông tin Giáo hoàng Francis qua đời, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn đến Tòa thánh.
Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Tòa thánh Vatican, tới toàn thể cộng đồng công giáo trên toàn thế giới và cộng đồng công giáo trong nước. Việt Nam trân trọng đóng góp của Giáo hoàng Francis trong quan hệ Việt Nam – Vatican cũng như trong các chỉ dẫn, khuyến nghị, khuyến khích chức sắc, tu sĩ, đồng bào công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam”.
Giáo hoàng Francis sinh ra trong một gia đình gốc Italy tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) vào ngày 17-12-1936, với tên gọi Jorge Mario Bergoglio.
Theo thông tin về tiểu sử của Giáo hoàng Francis đăng tải trên trang web của Tòa thánh Vatican, ông từng tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học trước khi trở thành tu sĩ dòng Tên.
Sau này, ông học về thần học và triết học, được thụ phong linh mục vào năm 1969. Năm 1992, ông được Giáo hoàng John-Paul II sắc phong giám mục và đến năm 1998 trở thành Tổng Giám mục Buenos Aires.
Năm 2001, ông được phong hồng y và từng tham dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2005.
Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI từ chức và Hồng y Bergoglio được bầu lãnh đạo Giáo hội, Ông là vị giáo hoàng đầu tiên thuộc dòng Tên và là người đầu tiên từ khu vực Mỹ Latinh.
Sau khi được chọn, tân Giáo hoàng lấy tông hiệu Francis, vinh danh Thánh Francis xứ Assisi, một tôi tớ của người nghèo khó và cơ cực.