Việt Nam tiết kiệm 5,3 tỷ USD giai đoạn 2019 - 2030 nhờ thu phí không dừng

Đó là ước tính từ PGS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore tại nghiên cứu mới đây của ông về 'Triển khai thu phí điện tử (ETC) trên đường cao tốc: Các mô hình toàn cầu, lợi ích ước tính từ trường hợp của Việt Nam và thảo luận chính sách'.

Việc chuyển đổi sang hệ thống thu phí điện tử hay thu phí không dừng đánh dấu bước tiến đáng kể trong quản lý đường cao tốc, mang lại những lợi ích đáng kể về môi trường và kinh tế cho Việt Nam.

Theo PGS Vũ Minh Khương, việc Việt Nam chuyển đổi hoàn toàn sang ETC vào năm 2023 là bước tiến nhảy vọt trong chuyển đổi số của Việt Nam và là một mô hình mẫu mực cho các nước đang phát triển khác tham khảo.

“Tác động ngay lập tức là đáng kể”, vị phó giáo sư tính toán tổng lợi ích Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2019 - 2023 bao gồm giảm phát thải CO2 407.036 tấn, tiết kiệm xăng dầu 129.023 tấn, tiết kiệm 197,9 triệu giờ nhân công và 79,1 triệu giờ tuổi thọ xe, tiết kiệm chi phí vận hành thu phí 82,6 triệu USD.

Năm 2023, năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC trên đường cao tốc cả nước, tổng lượng khí thải CO2 giảm được lên tới 191.860 tấn, nhờ giảm 60.816 tấn xăng và nhiên liệu diesel tiêu thụ tại các trạm thu phí. Cùng năm đó, xã hội tiết kiệm được 93,3 triệu giờ cho nhân lực và 37,3 triệu giờ cho tuổi thọ của phương tiện. Xét về giá trị tương đương bằng tiền, Báo cáo chỉ ra tổng chi phí tiết kiệm được cho năm 2023 qua bốn thước đo - năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành - lên tới 442,7 triệu USD.

So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần. Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỷ USD.

Dự báo cho giai đoạn 2024 - 2030 Việt Nam sẽ tiếp tục giảm được 597.862 tấn nhiên liệu và 1,886 triệu tấn khí thải CO2, với tổng mức tiết kiệm đạt 4,352 tỷ USD. Tổng lợi ích tiết kiệm được trong giai đoạn 2019 - 2030 dự kiến đạt khoảng 5,3 tỷ USD.

Tính đến năm 2021, Việt Nam 1.290 km đường cao tốc và đang đặt mục tiêu có 5.000 km vào năm 2030. Quá trình đó cũng gắn liền với việc chuyển đổi quyết liệt từ hệ thống thu phí thủ công (MTC) sang ETC trên các tuyến quốc lộ, cao tốc từ 2019 đến nay.

Quá trình chuyển đổi từ hình thức truyền thống MTC (thu phí một dừng) sang ETC là một hiện tượng toàn cầu. Trong ba thập kỷ qua, các hệ thống ETC đã trở thành một thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Thị trường ETC toàn cầu được định giá 9,2 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,1%, đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2029.

Hai công nghệ chủ yếu đang được triển khai là RFID và DSRC tồn tại song song dựa trên nhu cầu và khả năng cơ sở hạ tầng ở từng thị trường, trong đó RFID (công nghệ đang áp dụng tại Việt Nam) vượt trội hơn DSRC cả về thị phần và tốc độ tăng trưởng.

Tại Việt Nam, dự báo cho giai đoạn 2024 - 2030, lượng giao dịch ETC sẽ tăng trưởng ở mức CAGR từ 6 - 11%, mức trung bình là 8,5%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới đường cao tốc thu phí, sự gia tăng số lượng phương tiện và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Từ những kết quả ấn tượng trong việc triển khai hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Minh Khương và các đồng sự đã rút ra những bài học quan trọng cho các nền kinh tế đang phát triển. Đầu tiên, vai trò chủ động và điều phối hiệu quả của Chính phủ là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Tại Việt Nam, việc thành lập tổ công tác chuyên trách đã giúp Chính phủ nhanh chóng vượt qua các trở ngại ban đầu và thực thi quyết định trên diện rộng.

Thứ hai, sự tham gia của các công ty tư nhân trong việc triển khai và quản lý hạ tầng ETC đã góp phần nâng cao hiệu quả và tốc độ thực hiện. Quan hệ đối tác công-tư ở Việt Nam đã thúc đẩy đổi mới và tận dụng tốt nguồn lực, chuyên môn của khu vực tư nhân để áp dụng nhanh chóng và hiệu quả hệ thống ETC.

Cuối cùng, việc triển khai ETC không chỉ là một bước tiến lớn trong lĩnh vực vận tải mà còn là khởi đầu cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số rộng hơn trong giao thông thông minh. Hệ thống này tạo ra dữ liệu quý giá giúp quản lý lưu lượng, phân tích kinh tế, và ra quyết định kinh doanh. ETC còn có thể được mở rộng sang các hệ thống thanh toán kỹ thuật số khác như thu phí nội đô, bãi đậu xe (e-parking), đổ xăng không tiền mặt, và nhiều cơ sở thu phí khác.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay dịch vụ thu phí ETC đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (trên 5,6 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ), số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc). Kể từ khi triển khai vào năm 2014 đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành về dự thảo Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trong đó đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) để thu phí tại các cảng hàng không, cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-tiet-kiem-5-3-ty-usd-giai-doan-2019-2030-nho-thu-phi-khong-dung-1101611.html
Zalo