Việt Nam thành thị trường ưu tiên hàng đầu của dòng vốn FDI

Đại diện KoCham khẳng định nhiều doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là từ Hàn Quốc, đánh giá cao tiềm năng FDI tại Việt Nam và coi đây là ưu tiên hàng đầu khi mở rộng đầu tư.

 Doanh nghiệp ngoại nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và mong muốn mở rộng thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Doanh nghiệp ngoại nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và mong muốn mở rộng thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam", ông Jeong Ji-Hoon, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nhận định dù dòng vốn đầu tư toàn cầu đang chững lại, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút FDI ấn tượng trong thời gian qua.

Đặc biệt, Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, chính sách hỗ trợ R&D và ngành công nghệ cao, cùng với lợi thế địa lý và môi trường kinh doanh ổn định.

Lợi thế của Việt Nam trong mắt doanh nghiệp ngoại

Ông Jeong Ji-Hoo cho biết Chính phủ đang tích cực triển khai các dự án lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, nhà máy điện hạt nhân và điện khí, tạo nền tảng thuận lợi cho đầu tư dài hạn.

Đồng thời, các chính sách ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển cũng như lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao đang được đẩy mạnh, giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống logistics và giao thông phát triển, kết hợp với sự ổn định ngoại giao, giúp giảm rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Với những lý do nêu trên, ông Jeong Ji-Hoo khẳng định các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đánh giá cao tiềm năng đầu tư FDI vào Việt Nam và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho biết Việt Nam không chỉ cải thiện môi trường đầu tư thông qua các hiệp định thương mại quốc tế mà còn khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào hoạt động đào tạo nhân lực. Việc triển khai quỹ hỗ trợ đầu tư, đặc biệt dành cho ngành công nghệ cao, là tín hiệu tích cực.

Ông Marc Woo, Tổng giám đốc Google Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Google, với nhiều khoản đầu tư vào hỗ trợ startup và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo ông, việc mở văn phòng tại TP.HCM gần đây thể hiện cam kết lâu dài của tập đoàn với thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, các doanh nghiệp đều nhìn nhận vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thuế chưa nhất quán và thiếu tính dự đoán. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài.

Theo ông Jeong Ji-Hoon, để cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ cần làm rõ các quy định pháp lý và đảm bảo thực thi chính sách đồng nhất trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc số hóa thủ tục hành chính và nâng cấp hệ thống quản lý cũng sẽ giúp tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, từ đó rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và thúc đẩy dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, ông Seck Yee Chung còn đề cập đến những thách thức về đất đai, quy hoạch và năng lượng, ông cho rằng đây là những vấn đề mang tính chuyển đổi, cần có chính sách rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về nguồn nhân lực, ông Marc Woo nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất đòi hỏi nhiều kỹ năng chưa phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật.

Để đáp ứng nhu cầu này, ông mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cấp phép lao động và thị thực cho chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài. "Những nhân sự này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quy trình sản xuất, đào tạo lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp Việt Nam nhanh chóng đạt được các mục tiêu phát triển", đại diện từ Google Việt Nam nói...

Ngoài ra, việc thực thi chính sách thuế cũng cần được triển khai hiệu quả. Một ví dụ điển hình là nghị định mới về thuế khấu trừ tại nguồn đối với nền tảng số, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4, nhưng hiện chưa có hướng dẫn chi tiết.

Để thu hút các tập đoàn đa quốc gia (MNCs), ông nhận định Việt Nam cần đảm bảo chính sách thuế minh bạch, rõ ràng và có đủ thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị và điều chỉnh hệ thống.

"Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất mong có thời gian chuẩn bị đủ dài từ 9 đến 12 tháng để thực hiện đúng quy định, điều chỉnh hệ thống và đảm bảo tuân thủ pháp luật", ông Marc Woo bổ sung.

Triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, đồng thời nhấn mạnh Bộ sẽ triển khai các giải pháp nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Trước hết, Bộ Tài chính sẽ tạo môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy khu vực tư nhân và ưu tiên các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao hiệu suất dịch vụ công, đảm bảo quyền kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng.

Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện thể chế, kiến nghị sửa đổi các luật quan trọng như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán... nhằm tháo gỡ vướng mắc và huy động nguồn lực đầu tư.

Đồng thời, các điều chỉnh về Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân cùng 7 luật liên quan sẽ được trình Chính phủ để tạo động lực phát triển kinh tế.

 Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

Song song đó, Bộ đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm nay. Việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, thu hút nhà đầu tư.

Bộ cũng chú trọng phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, mở rộng kênh phân phối và điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với đặc thù quỹ đầu tư chứng khoán, qua đó khuyến khích đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp.

Về thu hút FDI, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo...

Chính sách FDI sẽ ưu tiên các dự án có tác động lan tỏa, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Tài chính sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng cũng khuyến nghị doanh nghiệp và quỹ đầu tư nên xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, đổi mới mô hình hoạt động, thực hiện tốt chính sách lao động và chủ động đóng góp ý kiến để hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/viet-nam-thanh-thi-truong-uu-tien-hang-dau-cua-dong-von-fdi-post1541446.html
Zalo