Việt Nam, Thái Lan và cái duyên trong hợp tác thể thao
Sau khi Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhiều hoạt động giữa đôi bên có thể phát triển lên tầm cao mới. Thể thao thành tích cao là một trường hợp như vậy, vì đây là hạng mục Thái Lan đã phát triển tốt và Việt Nam có thể học hỏi từ nhiều khía cạnh.
Thay đổi để vươn tầm Olympic
Năm 2023, tại Á vận hội Hàng Châu, Việt Nam giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ. Con số 3 HCV giành được của thể thao Việt Nam được xem là "đạt chỉ tiêu" ở mức tối thiểu. Trong khi đó, thể thao Thái Lan phải chịu kiểm điểm vì không đạt chỉ tiêu. Họ đặt mục tiêu giành 15 HCV nhưng chỉ có 12 HCV, 14 HCB và 32 HCĐ, xếp hạng 8 toàn đoàn.

Vận động viên Panipak Wongpattanakit đã giành 2 Huy chương vàng, 1 huy chương đồng cho Taekwondo Thái Lan ở 3 kỳ Olympic.
Những con số chênh lệch nêu trên đã phản ánh phần nào sự khác biệt giữa thể thao Thái Lan và Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam khoanh vùng 17 môn trọng điểm, chúng ta có thể học hỏi thông qua hợp tác quốc tế. Nhưng thay vì đến những miền đất xa lạ, Việt Nam có thể học hỏi ngay trong khu vực Đông Nam Á, với điểm sáng là Thái Lan.
Có một điểm thể thao Thái Lan làm tốt hơn Việt Nam trong lúc này, đó là xây dựng lực lượng VĐV mạnh trong thời kỳ mới. Hiện nay, nhiều đội thể thao của Việt Nam, đặc biệt là một số đội thành tích cao, bắt đầu gặp khó khăn với việc xây dựng lực lượng kế cận. Thiếu về lượng dẫn tới thiếu chất, khi các VĐV không có môi trường trui rèn tài năng.
Khác với Việt Nam, Thái Lan lại sở hữu nguồn VĐV đông đảo. Ấn tượng từ các VĐV Việt Nam đến Thái Lan tập luyện luôn là vì sao các đội tuyển thể thao ở đây đông người đến vậy. Câu trả lời nằm ở chỗ, thể thao Thái Lan luôn tạo được chân đế vững chắc ở cấp cơ sở, qua đó đảm bảo số lượng VĐV nhất định tại các tuyến phía trên.
Một trong những điểm sáng lớn nhất của thể thao Thái Lan nằm ở môn Taekwondo. Khi Taekwondo Việt Nam có huy chương bạc Olympic, Thái Lan mới bắt đầu phát triển môn võ này. Họ chỉ có một số huy chương từ ASIAD 1998, nơi Thái Lan là nước chủ nhà, và các võ sĩ có một số lợi thế nhất định.
Mọi chuyện đã khác sau hơn 2 thập niên. Giờ đây, xứ chùa tháp đã sở hữu đội tuyển Taekwondo hàng đầu khu vực châu Á. Họ thậm chí có một võ sĩ giành HCV 2 kỳ Olympic liên tiếp. Sau khi nhà vô địch Thế vận hội Panipak Wongpattanakit nghỉ thi đấu, Taekwondo Thái Lan vẫn có thế hệ kế cận đáng nể, bao gồm đương kim vô địch ASIAD Banlung Tubtimdang.
Bài học phát triển Taekwondo của Thái Lan có thể giúp Việt Nam tiếp thu nhiều điều. Từ giai đoạn 2008-2012, Thái Lan đã nắm bắt sớm hệ thống tính điểm theo giáp điện tử. Từ đó, họ phát hiện và tuyển chọn những VĐV giàu tiềm năng, có tố chất phát triển theo hướng đi mới này.
HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Thái Lan hiện tại là một người Hàn Quốc, và ông đã quyết định nhập tịch sau nhiều năm làm việc. HLV này cho biết, Panipak được chọn để đào tạo theo luật thi đấu của Taekwondo từ năm 2012. Nếu các VĐV thi đấu theo luật cũ, với quy chuẩn là tính lực đá vào giáp một cách cơ hội, Panipak sẽ không thể tiến xa.
Ở chiều ngược lại, Taekwondo Việt Nam có phần thụt lùi về mặt thành tích ở đấu trường quốc tế. Theo một trọng tài thường xuyên làm nhiệm vụ tại các giải Taekwondo quốc gia, nhiều HLV ở cơ sở vẫn đào tạo VĐV theo lối cũ. Hạn chế về cơ sở vật chất là một phần, nhưng chậm thay đổi cũng là một nhân tố khiến Taekwondo Việt Nam sa sút.
Người Thái Lan nói tiếng Việt
Bên cạnh Taekwondo, Boxing cũng là môn thể thao Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ Thái Lan. Trên thực tế, thành tích hiện tại của Boxing Việt Nam có liên hệ trực tiếp đến mối quan hệ sâu rộng, gần gũi với Boxing Thái Lan. Người tạo nên mối lương duyên đó là "Zico Thái Lan" trong môn Boxing, huấn luyện viên Tawan Mungphingklang.

Chuyên gia Tawan Mungphingklang đã nâng tầm Boxing nữ Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế sau 10 năm gắn bó.
Trong quá khứ, ông Tawan từng là HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan giành huy chương vàng Olympic. Sau kỳ Thế vận hội 2012, ông bất ngờ nhận lời đảm nhiệm cương vị chuyên gia cho đội Boxing nữ Hà Nội. Khi ấy, chẳng ai rõ vì sao một nhà quản lý ở cấp độ rất cao của Thái Lan lại đến Việt Nam, làm công việc chuyên môn đơn thuần.
Có một giai thoại về những chuyến đi cùng đội tuyển Boxing nữ Việt Nam của chuyên gia Tawan. Thực chất, đây là những chuyến đi cống hiến của ông thầy người Thái Lan. Bởi thực ra, bộ môn Boxing nữ Hà Nội đã chi trả kinh phí cho ông để thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Kể từ khi có chuyên gia Tawan, Boxing nữ Hà Nội, cũng như Việt Nam liên tục đột phá về mặt thành tích ở sân chơi quốc tế. Thành tích đó không còn nằm trong phạm vi những tấm HCV SEA Games, hay huy chương ASIAD nữa. 3/4 tấm vé tham dự Olympic của Boxing Việt Nam tại 2 kỳ Thế vận hội gần nhất có đóng góp trực tiếp từ chuyên gia Tawan.
Vì sao chuyên gia Tawan có thể thành công đến vậy tại Việt Nam. Câu trả lời nằm ở chỗ, ông không chỉ đơn thuần là một HLV đẳng cấp Olympic, giàu kinh nghiệm và sở hữu trình độ chuyên môn vượt trội. Đây còn là người có tầm ảnh hưởng ở Boxing quốc tế, được nhiều đồng nghiệp ngưỡng mộ, và đặc biệt yêu mến Việt Nam.
Khi chuyên gia Tawan trở lại Việt Nam làm việc lần thứ hai, chiếc xe máy ông sử dụng là xe cũ của một vận động viên trong đội. HLV Tawan không câu nệ hình thức, ông chỉ mong được làm việc để thỏa khát khao. Ông thực sự là viên ngọc quý làm cầu nối giữa hai nước, cũng như nâng tầm cho Việt Nam ở hạng mục Boxing nữ.

Kiatisuk là điểm nối sáng nhất trong mối quan hệ giữa thể thao Việt Nam và Thái Lan.
Câu chuyện về Taekwondo hay Boxing của Thái Lan có thể xa lạ với công chúng, nhưng bóng đá Thái Lan lại rất thân thuộc. Suốt 3 thập niên qua, bóng đá Việt Nam đã luôn xem Thái Lan là kình địch số một trong khu vực, là đối thủ luôn phải vượt qua. Mối quan hệ cạnh tranh đó của bóng đá hai nước thực sự đã thúc đẩy cả hai phát triển lên tầm cao mới.
Nhiều cầu thủ, HLV Thái Lan, tiêu biểu là Kiatisuk còn là một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể không thích Thái Lan, nhưng tất cả đều yêu mến Kiatisuk. Đến giờ, hình ảnh Zico Thái cầm guitar hát nhạc Việt vẫn là một ký ức rất đẹp.
Mối liên kết từ những người trẻ
2 năm trước, hình ảnh HLV Thái Lan Pakkawat Vilailak hướng dẫn tay vợt Nguyễn Thùy Linh tại một giải cầu lông quốc tế từng gây chấn động cho cả hai quốc gia. Với Thùy Linh, điều đó giúp người hâm mộ hiểu hơn về nỗi khó khăn cô phải trải qua ở những hành trình xa nhà. HLV Vilailak cũng không ngại khẳng định ông đã làm đúng, và sẽ tiếp tục làm vậy.

Hai vận động viên Thùy Linh và Chochuwong là bạn thân, thường xuyên đi cùng nhau tại các giải quốc tế.
Câu chuyện về mối lương duyên giữa cầu lông Thái Lan và Việt Nam, với Thùy Linh làm điểm nối đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Để duy trì phong độ cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, Thùy Linh có nhiều lần đến Thái Lan tập luyện. Điểm đến của cô là CLB của HLV Vilailak, nơi có rất nhiều VĐV đẳng cấp thế giới sinh hoạt thường xuyên.
Trong những chuyến đi tới Thái Lan, Thùy Linh đã kết thân cùng Pornpawee Chochuwong, người hiện là tay vợt hạng 6 thế giới. Họ thuộc cùng một thế hệ, lại có chung sở thích, nên thường xuyên đồng hành ở nhiều giải đấu. Muốn bước xa thì phải bước đi cùng nhau, và cả Chochuwong lẫn Thùy Linh đều hiểu rõ phương châm đó trong nhiều năm qua.
Tương tự Taekwondo, trong môn Cầu lông, Thái Lan đã phát triển rất mạnh trong 20 năm qua. Từ một quốc gia không quá nổi bật ở môn thể thao này, Thái Lan đã sở hữu nhiều tay vợt tốp đầu quốc tế. Họ thậm chí có không ít tay vợt từng vô địch thế giới, thậm chí giành huy chương Olympic.
Khác với câu chuyện của Bóng đá, Taekwondo hay Boxing, mối liên kết giữa thể thao Việt Nam và Thái Lan lại là những người trẻ. Họ đại diện cho thế hệ những người sinh ra từ cuối thập niên 90 trở về sau, vốn không mang định kiến và luôn hướng ra thế giới. Tại đây, tất cả mọi người đều có thể kết nối, hợp tác để cùng phát triển.
Thái Lan làm tốt hơn, nhưng vẫn dè chừng Việt Nam
Tại 2 kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam đều vượt qua Thái Lan để giành vị trí nhất toàn đoàn. Nhưng ngay trong thời điểm thể thao Việt Nam hào hứng với chuỗi thành tích ấn tượng tại sân chơi khu vực, Thái Lan đã chỉ ra một điểm thú vị. Họ cho thấy, nếu chỉ tính huy chương ở những môn, hoặc hạng mục thi đấu tại Olympic, Thái Lan sẽ đứng nhất.
Luận điểm đó của thể thao Thái Lan từng được xem là "lời bao biện yếu ớt" khi phải xếp dưới Việt Nam. Nhưng quả thực, nếu xét về "chất" của từng VĐV, đặc biệt khi hướng ra sân chơi ASIAD và Olympic, Thái Lan vẫn là người khổng lồ của Đông Nam Á. Họ luôn xác định mình phải hướng ra sân chơi thế giới, chứ không chỉ quẩn quanh khu vực.
Trái với lời đao to búa lớn của một số người hâm mộ quá khích, các chuyên gia Thái Lan thực sự nể phục thể thao Việt Nam. Năm 2019, một cây viết ăn khách trên tờ Siam Sport từng viết, Việt Nam sớm muộn sẽ trở thành đối trọng lớn nhất của Thái Lan trong mảng thể thao. Câu chuyện chỉ là Việt Nam cần bao nhiêu năm để thực sự lột xác.
"Khác với Thái Lan, nơi có khí hậu tương đối ôn hòa ở phần lớn khu vực, Việt Nam lại sở hữu khí hậu khắc nghiệt tại từng vùng. Việc phát triển thể thao vì thế cũng khó khăn hơn. Ngoài ra, ta không thể kể tới việc Việt Nam mới chỉ có vài thập kỷ phát triển sau chiến tranh và bị cấm vận", tác giả người Thái Lan nhận định.