Việt Nam tăng cường quản lý gỗ nhập khẩu để bảo vệ thị trường xuất khẩu
Nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về quản lý rừng bền vững và nâng cao vị thế của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới, Chính phủ đã có những sửa đổi quy định phù hợp để 'siết chặt' quản lý gỗ nhập khẩu.
Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30-9-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1-9-2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, theo Chinhphu.vn.
Nghị định này nhằm xây dựng và quản lý một hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể, nghị định quy định chi tiết các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu gỗ. Đặc biệt, nghị định còn quy định rõ về việc cấp giấy phép FLEGT, một chứng nhận quan trọng khẳng định tính hợp pháp của gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu gỗ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Việc sửa đổi, bổ sung nghị định 102/2020/NĐ-CP nhằm cập nhật các quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tế, các cam kết quốc tế và những yêu cầu mới về quản lý rừng bền vững. Theo đó, gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro.
Theo Chương trình Mục tiêu phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch đạt 8-8,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng đến hết năm 2018, ngành gỗ đã đạt mục tiêu này và kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ liên tiếp tăng trong những năm qua.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,24 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Về triển vọng xuất khẩu cả năm, theo nhận định của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) dự đoán đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam vào khoảng đạt 14,5-15 tỉ đô la Mỹ.
Trên thực tế với một hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp thì các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ được quốc tế tin cậy hơn, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, đặc biệt khi Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ và sản phẩm gỗ để chế biến, xuất khẩu trở lại.
Điều này được thể hiện ở trong báo cáo, “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triển bền vững” do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM (HAWA) đã nhận định Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của Châu Á.
Theo những đơn vị trên, do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài. Xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có vai trò rất lớn của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Điều này được thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với kim ngạch đạt 1,32 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, giá trị nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (HS 44) đạt 1,13 tỉ đô la. Qua đó cho thấy nhu cầu về nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Các thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ chính cho Việt Nam trong giai đoạn này là Trung Quốc, Mỹ, Lào, Cameroon và Thái Lan. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ 5 quốc gia này chiếm hơn 67,5% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ các thị trường.