Việt Nam sở hữu 'vương mộc' quý như kim cương: 800 năm mới khai thác, giá lên tới 25 tỷ đồng/cây

Tại Việt Nam, không ít loại gỗ quý hiếm được săn đón vì giá trị kinh tế, tính thẩm mỹ và yếu tố phong thủy mà chúng mang lại. Trong số đó, giáng hương - loại gỗ được mệnh danh là 'vương mộc' nổi bật như một biểu tượng của sự đắt đỏ, sang trọng và quyền lực, với mức giá có thể lên tới 25 tỷ đồng, sánh ngang cả... kim cương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáng hương vốn không phải là cái tên xa lạ với giới chơi gỗ, bởi từ lâu đã được biết đến là dòng gỗ quý thuộc nhóm I, nằm trong Sách đỏ Việt Nam từ năm 2007 và bị cấm khai thác. Có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus, giáng hương thuộc họ Đậu, xuất hiện ở nhiều quốc gia như Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam. Trước đây, người ta từng tìm thấy loại cây này ở các tỉnh như Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Dương hay Đồng Nai, nhưng hiện nay chúng đã gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Điểm đặc trưng làm nên "thương hiệu" của gỗ giáng hương chính là mùi thơm dễ chịu, vân gỗ đẹp mê, thân cây thẳng tắp, nhựa đỏ tươi và kết cấu gỗ siêu chắc chắn. Loại cây này thường cao từ 15–25m, vỏ màu nâu xám và mọc chủ yếu ở độ cao 100–800m, nơi có lượng mưa dao động từ 1270–1520mm/năm. Đặc biệt, một số cây còn xuất hiện “bướu” – phần gỗ bị biến dạng do tác động của côn trùng, vi sinh vật – mà dân trong nghề gọi là gỗ nu. Nghe “kỳ dị” vậy thôi chứ gỗ nu hương lại có giá trị kinh tế cực cao. Minh chứng là trong một triển lãm thủ công mỹ nghệ ở Hoàng Thành Thăng Long năm 2016, một bộ bàn ghế làm từ gỗ nu hương đã được bán với giá 1 tỷ đồng, khiến dân chơi gỗ không khỏi trầm trồ.

Lý do khiến giáng hương trở nên quý như vàng – thậm chí đắt ngang kim cương – chính là thời gian sinh trưởng siêu chậm. Người ta phải chờ tới 800 năm mới có thể khai thác được một cây giáng hương đủ “đô” để sử dụng. Đây cũng là lý do khiến loại gỗ này khan hiếm đến mức các đại gia lắm tiền nhiều của cũng chưa chắc sở hữu được.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng về giá trị của giáng hương xảy ra năm 2017 tại thôn Yuk Kla, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Một cây giáng hương cổ thụ được phát hiện tại đây đã khiến dân tình dậy sóng. Sau đó, một người làm nghề gỗ có giấy phép đã di dời cây về Thanh Hóa và nhiều đại gia sẵn sàng chi tiền tấn để mua lại. Thậm chí, có người còn trả tới 1 triệu USD (tương đương hơn 25 tỷ đồng) nhưng vẫn bị từ chối. Điều này chứng minh giá trị khủng khiếp của loại “vương mộc” này trong giới sưu tầm và chơi gỗ đẳng cấp.

Giáng hương không chỉ quý vì độ hiếm mà còn vì tính ứng dụng cực cao. Gỗ được dùng để làm đồ nội thất cao cấp như giường, tủ, sàn nhà hay đồ thủ công mỹ nghệ giá trị, phục vụ giới siêu giàu và các công trình đẳng cấp. Nhờ độ bền cao, chịu lực tốt và không bị cong vênh theo thời gian, giáng hương luôn là lựa chọn hàng đầu trong ngành mộc.

Theo quan niệm phong thủy, giáng hương không đơn thuần là vật liệu xây dựng hay trang trí, mà còn là biểu tượng của may mắn, bình an và tài lộc. Người sở hữu nội thất làm từ loại gỗ này được tin rằng sẽ gặp nhiều thuận lợi trong công việc, gia đạo yên ấm và phúc khí tràn đầy.

Chẳng cần kim cương lấp lánh, Việt Nam ta có “vương mộc” – báu vật ngàn năm quý hơn vàng, đẹp hơn đá quý, vừa mang giá trị vật chất lẫn tinh thần sâu sắc. Đúng chất “hàng hiếm”, giáng hương xứng đáng là niềm tự hào của rừng xanh đất Việt.

Mộc Chân (tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/viet-nam-so-huu-vuong-moc-quy-nhu-kim-cuong-800-nam-moi-khai-thac-gia-len-toi-25-ty-dong-cay/20250410031125379
Zalo