Việt Nam – Séc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Séc Petr Fiala đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên thành Đối tác chiến lược.
Theo TTXVN, tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Cộng hòa Séc từ ngày 18 đến 20-1.
Trong đó, về hợp tác chính trị và quan hệ ngoại giao, hai bên cam kết thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và đối thoại giữa Việt Nam và Séc, tổ chức các chuyến thăm, đối thoại định kỳ của các bộ trưởng và các quan chức cấp cao hai bên.
Hai bên mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ trên kênh nghị viện và kênh đảng thông qua thúc đẩy đối thoại, trao đổi và thảo luận về các lĩnh vực ưu tiên cũng như kinh nghiệm thực tiễn của mỗi bên. Việt Nam và Séc xem xét thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về ngoại giao, quốc phòng và an ninh ở cấp Thứ trưởng do Bộ Ngoại giao hai nước chủ trì.
Hợp tác kinh tế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ song phương. Dựa trên Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc, hai bên cam kết thúc đẩy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Séc về hợp tác kinh tế.
Việc khuyến khích thành lập các tiểu ban ngành trong Ủy ban liên Chính phủ là cần thiết, để rà soát, đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận hiện có và đề xuất các biện pháp nhằm khai thác cơ hội, tạo bước đột phá trong hợp tác thương mại, đầu tư và công nghiệp.
Việt Nam - Séc luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động trên thị trường của nhau thông qua hợp tác và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại. Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, dược phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, cơ khí, máy móc chuyên dụng và ngành công nghiệp ô tô.
Theo tuyên bố này, hai nước đều mong muốn tăng hợp tác nông nghiệp và trao đổi thông tin về các quy định, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật liên quan đến kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; hợp tác xây dựng, chuỗi cung ứng trực tiếp nông sản giữa hai nước; xây dựng các mô hình chung ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và trao đổi giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sinh học và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến chế tạo, khai thác và chế biến khoáng sản...; chia sẻ về công nghệ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, xử lý nước, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chuyển giao công nghệ tiên tiến về xử lý nước thải…