Việt Nam sẽ trưng bày hệ thống phòng không Spyder tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Spyder sẽ là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại được Quân chủng Phòng không - Không quân giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Tiếp theo Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục mang đến triển lãm lần này hệ thống tên lửa phòng không Spyder do nhà thầu Rafale (Israel) phát triển, sản xuất.

Theo kế hoạch, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ trưng bày một tổ hợp gồm xe chỉ huy (CCU), xe chiến đấu tầm ngắn Spyder-SR, xe chiến đấu tầm trung Spyder-MR, cùng đạn tập.

Hệ thống tên lửa phòng không Spyder có khả năng tác chiến cơ động, phản ứng nhanh, có thể hoạt động ngày/đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Trong tác chiến, nó có thể nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở tầm gần và tầm trung như: Máy bay, trực thăng, mục tiêu bay tầm thấp, tên lửa hành trình, thiết bị bay tấn công không người lái và các loại vũ khí điều khiển chính xác từ xa.

 Hệ thống tên lửa phòng không Spyder trưng bày tại sân bay Gia Lâm. Ảnh: TRUNG THÀNH

Hệ thống tên lửa phòng không Spyder trưng bày tại sân bay Gia Lâm. Ảnh: TRUNG THÀNH

Trong đó, xe Spyder-SR mang theo 4 tên lửa đất đối không tầm ngắn, có thể đánh chặn các mục tiêu trên không từ khoảng cách 20km ở độ cao 9.000m, còn Spyder-MR mang theo 8 đạn tên lửa đất đối không tầm trung, có tầm bắn tối đa lên đến 50km ở độ cao 16.000m. Đạn tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không Spyder được thiết kế để có thể miễn nhiễm với nhiễu điện tử, với các đạn có đầu tự dẫn ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng và đạn có đầu tự dẫn radar chủ động.

Như vậy, với các tên lửa Spyder-SR và Spyder-MR, một kíp Spyder có thể bảo vệ một mục tiêu có đường kính lên đến 120km. Không những thế, thiết kế mở của hệ thống tên lửa phòng không Spyder còn cho phép hiệp đồng tác chiến với các hệ thống phòng không khác trong cùng lưới phòng không.

Xe chiến đấu tầm ngắn Spyder-SR (trước) và xe chiến đấu tầm trung Spyder-MR (sau) của hệ thống tên lửa phòng không Spyder. Ảnh: TRUNG THÀNH

Xe chiến đấu tầm ngắn Spyder-SR (trước) và xe chiến đấu tầm trung Spyder-MR (sau) của hệ thống tên lửa phòng không Spyder. Ảnh: TRUNG THÀNH

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến radar cảnh giới cho các xe phóng, bao gồm ELM-2016 cho Spyder-SR và ELM-2084 cho Spyder-MR. Đây là các loại radar 3D đa năng hiện đại, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau gồm cảnh giới nhìn vòng trên không; điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không hoặc đánh chặn tên lửa; phát hiện các loại đạn pháo, cối, pháo phản lực và định vị trận địa của chúng.

Cuối cùng, xe CCU có nhiệm vụ kết nối các xe phóng di động và radar ELM-2084. Thời gian triển khai tác chiến của hệ thống tên lửa phòng không Spyder chỉ khoảng 15 phút với kíp 4 người trên mỗi xe phóng.

Các xe phóng di động và xe thành phần chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không Spyder trong biên chế Quân chủng Phòng không - Không quân đều được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp HX58 (6x6) và HX77 (8x8) do hãng MAN (Đức) chế tạo, có độ cơ động cao.

Ngoài Việt Nam, hiện hệ thống tên lửa phòng không Spyder đang có trong biên chế của quân đội các nước Azerbaijan, Cộng hòa Czech, Ethiopia, Ấn Độ, Peru, Philippines, Singapore, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Morocco.

Hệ thống phòng không Spyder tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

MINH ANH - TRUNG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024/viet-nam-se-trung-bay-he-thong-phong-khong-spyder-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-2024-807196
Zalo