Việt Nam sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế hoạt động ở 2 thành phố

Việt Nam định hướng phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, hoạt động ở TP Đà Nẵng và TP HCM. Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận nội dung này ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

 Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: VGP.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: VGP.

Ngày 20/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tuớng Nguyễn Hòa Bình, đây là hội nghị cuối cùng tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội. Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

"Khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Trung tâm tài chính, chúng tôi đã đưa nội dung vấn đề cũng như nội dung các dự thảo sang London (Anh), Luxembourg, Frankfurt (Đức) để tham vấn. Các chuyên gia của 3 quốc gia này và một số quốc gia khác tham dự các hội thảo đều đánh giá đây là một quyết định sáng suốt trong tình hình hiện nay của Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để Việt Nam kết nối với kinh tế toàn cầu và là một giải pháp để bứt phá tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo," Phó Thủ tướng nói.

Một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 thành phố

Tại Hội nghị, quan điểm phát triển "một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại hai địa điểm khác nhau" được nhiều chuyên gia ủng hộ.

 Ông Richard McClellan cho rằng, ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang đẳng cấp thế giới tại Việt Nam không chỉ còn là lý thuyết. Nguồn: VGP.

Ông Richard McClellan cho rằng, ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang đẳng cấp thế giới tại Việt Nam không chỉ còn là lý thuyết. Nguồn: VGP.

Theo ông Richard McClellan, Đại sứ toàn cầu của Terne Holding, Đà Nẵng có lợi thế riêng biệt để phát triển trung tâm tài chính quốc tế gồm vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và giáo dục, khả năng liên kết với khu vực miền Trung.

"Cần tư duy trung tâm tài chính là một hệ thống vận hành thống nhất, không phải một khu vực địa lý riêng lẻ," ông Richard McClellan nói và cho rằng việc này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có vị thế toàn cầu.

Với mô hình đó, theo Đại sứ toàn cầu của Terne Holding, Đà Nẵng không cạnh tranh với TP HCM và ngược lại còn có tính bổ trợ cho nhau. "Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu xây dựng hai trung tâm hoặc một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại hai địa phương để tận dụng tốt các lợi thế của mỗi địa phương," ông nói.

Dẫn chiếu kinh nghiệm, mô hình hoạt động về trung tâm tài chính quốc tế hiện đại ở một số nước, nhất là tại Dubai, ông Andreas Baumgartner, Tổng giám đốc kiêm sáng lập The Metis Institute cho rằng, mô hình này cần có hệ thống quản lý thống nhất nhưng vẫn bảo đảm phát huy được lợi thế riêng biệt, sự độc lập trong hoạt động giữa hai địa điểm của một trung tâm tài chính quốc tế.

Góp ý thêm về mô hình này, Giám đốc điều hành Liên minh các trung tâm tài chính quốc tế (WAIFC) Jochen Biedermann cho rằng, Việt Nam cần chú trọng xây dựng hạ tầng phần mềm, hạ tầng số, đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực để bảo đảm cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng vận hành trơn tru.

Hai thành phố bảo đảm sẵn sàng cho Trung tâm tài chính quốc tế đi vào vận hành

Về phía địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng nội dung về trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề "rất mới và khó với Việt Nam nhưng cần thiết phải hình thành". Ông cho biết thành phố đã chuẩn bị các điều kiện, hệ sinh thái, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách sát với điều kiện thực tế của địa phương. Họ cũng đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lên kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ trung tâm tài chính quốc tế.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Nguồn: VGP.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết Chính phủ cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tuân thủ luật pháp, chuẩn mực quốc tế, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm các cơ chế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, các chính sách sẽ cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam, theo Phó Thủ tướng.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-se-phat-trien-mot-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-hoat-dong-o-2-thanh-pho-41714.html
Zalo