Việt Nam sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước giữ vị trí thứ hai toàn cầu về cả xuất khẩu và nhập khẩu gạo trong hai năm liên tiếp 2025 và 2026.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Trung Chánh
Theo báo cáo mới công bố về thị trường lương thực toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán rằng Việt Nam sẽ đồng thời giữ vị trí thứ hai thế giới về cả nhập khẩu và xuất khẩu gạo trong năm 2025 và tiếp tục duy trì vị thế này trong năm 2026.
Dự báo sản lượng gạo của Việt Nam trong niên vụ 2025-2026 sẽ đạt khoảng 26,95 triệu tấn (tính theo gạo xay xát), giảm nhẹ so với mức 27,2 triệu tấn của niên vụ trước đó 2024-2025.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do diện tích gieo trồng bị thu hẹp, chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và chi phí vật tư đầu vào tăng cao.
Dự kiến trong niên vụ tới, Việt Nam sẽ duy trì sản lượng xuất khẩu gạo ở mức 7,9 triệu tấn. Với con số này, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục nằm trong nhóm ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cùng với Ấn Độ và Thái Lan.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nước như Ấn Độ, Pakistan và Myanmar. Trong năm 2025, giá gạo của Việt Nam được nhận định khó có khả năng tăng mạnh, do thị trường thế giới dự báo sẽ có nguồn cung dồi dào.
Theo USDA, dù là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, Việt Nam được dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo trong niên vụ 2025-2026, giảm nhẹ so với mức 4,1 triệu tấn của niên vụ trước.
Hoạt động nhập khẩu chủ yếu tập trung vào một số phân khúc cụ thể như gạo thơm, chất lượng cao từ Campuchia và Thái Lan, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao cấp. Gạo nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để phục vụ chế biến, tái xuất hoặc tiêu dùng tại chỗ.
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ nội địa dự kiến đạt khoảng 20,65 triệu tấn, gần như không thay đổi so với năm trước. Tồn kho cuối kỳ được dự báo tăng nhẹ lên 3,39 triệu tấn, góp phần ổn định thị trường trong nước và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu khi có cơ hội.
Trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung gạo trong năm nay được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu tấn, đạt mức 538,7 triệu tấn. Phần lớn mức tăng này đến từ Ấn Độ, cùng với một phần nhỏ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng sản lượng, thị trường gạo thế giới vẫn đối mặt với tình trạng cung không đủ cầu, do nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng mạnh thêm 6,1 triệu tấn, lên 538,8 triệu tấn.
Riêng Ấn Độ chiếm tới 125 triệu tấn trong tổng mức tiêu thụ, đồng thời tiếp tục duy trì các chính sách ưu tiên an ninh lương thực trong nước.
Thị trường thương mại gạo toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 và 2026, với tổng khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 60 triệu tấn.
Philippines dự kiến vẫn giữ vững vị trí là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với khối lượng nhập khẩu ổn định ở mức khoảng 5,5 triệu tấn.
Nigeria đứng thứ ba toàn cầu với khoảng 3 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu gia tăng theo đà tăng dân số.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ nhập khẩu khoảng 2,4 triệu tấn, nhờ hưởng lợi từ nguồn cung dồi dào và giá thành cạnh tranh từ các quốc gia châu Á.
Trong khi đó, các nước thuộc Liên minh châu Âu được dự báo sẽ nhập khoảng 2,2 triệu tấn gạo, giảm nhẹ so với các năm trước do sản lượng nội địa gia tăng.
Indonesia có thể sẽ giảm lượng nhập khẩu xuống còn khoảng 800.000 tấn trong năm 2025, nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về nguồn cung trong nước.
Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2025, với sản lượng đạt khoảng 7,9 triệu tấn.
Trong khi đó, Thái Lan dự kiến đạt khoảng 7 triệu tấn và Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu với 24 triệu tấn. Thành tích này của Việt Nam chủ yếu nhờ nhu cầu ổn định từ thị trường truyền thống là Philippines, cùng với sự quay trở lại của các nhà nhập khẩu lớn từ Trung Quốc.