Việt Nam sau 50 năm Thống nhất: Hướng đến một nền kinh tế hòa bình, hòa nhân - Kinh tế hòa bình, lựa chọn chiến lược mang dấu ấn Việt Nam (Bài 1)

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế bằng một chiến lược phát triển kinh tế độc đáo: lấy hòa bình làm nền tảng, hợp tác làm động lực và con người làm trung tâm. Tư duy 'kinh tế hòa bình' trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong các chính sách đối ngoại, thương mại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam không chỉ khôi phục được hình hài một quốc gia độc lập, mà còn từng bước vươn mình trên hành trình phát triển đầy bản lĩnh. Hòa bình không còn là giấc mơ đó là nền tảng vững chắc cho mọi chiến lược phát triển. Hợp tác không còn là lựa chọn mà trở thành động lực cốt lõi để Việt Nam hội nhập vào dòng chảy kinh tế toàn cầu. Và con người với trí tuệ, khát vọng và bản sắc luôn là trung tâm của mọi tư duy chính sách và mô hình phát triển.
Nhìn lại 50 năm kể từ ngày đất nước liền một dải, đồng thời hướng tới tương lai với những thách thức chưa từng có, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thực hiện chuyên đề đặc biệt “Việt Nam sau 50 năm thống nhất: Hướng đến một nền kinh tế hòa bình, hòa nhân” - nhằm ghi nhận những nỗ lực bền bỉ, phân tích các xu hướng đang định hình nền kinh tế Việt và lan tỏa tư duy phát triển hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, giữa bản sắc văn hóa với yêu cầu hiện đại, giữa thành tựu kinh tế với chất lượng sống con người.

Hòa bình là điều kiện, kinh tế là phương tiện, phát triển là mục tiêu

Trong suốt tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định một nguyên tắc chiến lược: phát triển kinh tế phải đặt trong môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây không chỉ là một lựa chọn về phương thức phát triển, mà còn thể hiện bản sắc và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Hòa bình, đối với Việt Nam, không chỉ là điều kiện cần để phát triển mà còn là mục tiêu hướng tới trong mọi hành động. Một nền kinh tế chỉ thực sự bền vững khi được xây dựng trên nền tảng hòa bình, nơi không có xung đột, bất ổn và chia rẽ, mà thay vào đó là sự thấu hiểu, hợp tác và cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, kinh tế trở thành phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa hòa bình - thông qua tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống, thu hẹp bất bình đẳng và gia tăng kết nối giữa các quốc gia, dân tộc.

Từ tư tưởng đến thể chế hóa chính sách

Tư duy “kinh tế hòa bình” của Việt Nam không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà đã được thể chế hóa qua một loạt chính sách cụ thể, góp phần tạo dựng môi trường kinh tế ổn định và bền vững.

Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” được xem như một quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng bí thư Tô Lâm có đoạn đề cập: “Hội nhập quốc tế phải phát huy hiệu quả mạng lưới các quan hệ đối tác đã được xác lập để gia tăng tin cậy chính trị, tranh thủ nguồn lực cho phát triển, giải quyết các vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình, tăng cường hợp tác trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Thực tế, trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với 193 quốc gia, vùng lãnh thổ; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn.

Hòa bình là điều kiện, kinh tế là phương tiện, phát triển là mục tiêu

Hòa bình là điều kiện, kinh tế là phương tiện, phát triển là mục tiêu

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về hội nhập kinh tế quốc tế, với việc ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao phủ hơn 60 nền kinh tế, bao gồm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP. Những thỏa thuận này không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường mà còn cam kết mạnh mẽ về nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và phát triển bền vững, đồng thời tuân thủ các quy định quốc tế.

Để hỗ trợ quá trình hội nhập, Việt Nam cũng đã thực hiện các cải cách mạnh mẽ trong nội bộ, bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mặt khác, Việt Nam còn chủ động tham gia vào các thể chế kinh tế toàn cầu như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, UNCTAD, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy một môi trường hợp tác, công bằng và bền vững, nơi lợi ích chung được đề cao.

Một điểm nổi bật trong chiến lược “kinh tế hòa bình” là nguyên tắc “không chọn phe, không đối đầu”, với ưu tiên đối thoại và hợp tác đa phương. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với căng thẳng thương mại và đối đầu thuế quan, Việt Nam duy trì chính sách thương mại công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, không “giằng co”; dựa trên đàm phán chính sách, khởi động những thỏa thuận thương mại đối ứng, giúp ổn định môi trường kinh doanh trong nước, củng cố vị thế của Việt Nam là một đối tác kinh tế đáng tin cậy trên trường quốc tế.

“Kinh tế hòa bình” không phải là khẩu hiệu chính trị mà là một lựa chọn chiến lược, đã được kiểm chứng bằng hiệu quả thực tiễn và sự ghi nhận quốc tế. Với chiến lược này, Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò không chỉ là một đối tác đáng tin cậy mà còn là một “người chơi” có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu.

Định vị Việt Nam là đối tác kinh tế đáng tin cậy

Chính sách “kinh tế hòa bình” của Việt Nam đã và đang góp phần tạo dựng hình ảnh đất nước không chỉ năng động mà còn có trách nhiệm và đáng tin cậy trong mắt cộng đồng quốc tế. Không ít chuyên gia quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam, từ việc đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng như APEC 2017, Hội nghị Mỹ - Triều 2019, đến việc đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020... Những sự kiện này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn giúp xây dựng đất nước thành một trung tâm đối thoại kinh tế - chính trị khu vực, nơi các quốc gia có thể trao đổi, hợp tác và xây dựng mối quan hệ ngoại giao, kinh tế bền vững.

Song song đó, theo chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, việc duy trì một môi trường kinh doanh ổn định, hòa bình đã tạo ra một không gian thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những cam kết mạnh mẽ về tôn trọng luật pháp quốc tế và các hiệp định thương mại đã làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Các đối tác thương mại đánh giá cao sự chủ động, kiên định và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế dựa trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau.

Cụ thể, thống kê cho thấy, Việt Nam là số ít nước trong ASEAN vẫn duy trì mức tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu và những diễn tiến bất ổn của đầu tư quốc tế, nguồn vốn FDI vào các nước lớn trong khu vực đều sụt giảm mạnh nhưng FDI vào Việt Nam giảm không đáng. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn có sức hút đáng kể đối với các dòng vốn FDI nước ngoài trước những biến động của tình hình đầu tư thế giới. Đặc biệt, các dòng vốn xanh, công nghệ cao, công nghiệp sạch và dịch vụ tài chính hiện chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Thêm vào đó, TS. Đậu Thị Mai Liên - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, với quan điểm “hòa bình”, Việt Nam không chỉ mở rộng cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo cơ hội gia tăng vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như công nghệ thông tin, sản xuất sạch và năng lượng tái tạo…

“Kinh tế hòa bình” không phải là khẩu hiệu chính trị mà là một lựa chọn chiến lược, đã được kiểm chứng bằng hiệu quả thực tiễn và sự ghi nhận quốc tế. Với chiến lược này, Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò không chỉ là một đối tác đáng tin cậy mà còn là một “người chơi” có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu.

Hạo Hiển

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-sau-50-nam-thong-nhat-huong-den-mot-nen-kinh-te-hoa-binh-hoa-nhan-kinh-te-hoa-binh-lua-chon-chien-luoc-mang-dau-an-viet-nam-bai-1-317428.html
Zalo