Việt Nam - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Hợp tác thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Mối quan hệ giữa Việt nam và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được xây dựng trong nhiều năm qua đang hướng tới trở thành hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia với một định chế tài chính hàng đầu thế giới, đồng thời thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các công nghệ mới tại nước ta.

Hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng tăng trưởng

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại New York (Mỹ), ngày 24-9. Tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc IMF khẳng định, Việt Nam và ASEAN là điểm sáng của tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn khi kinh tế thế giới trải qua những cú sốc thời gian qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva

Tổng Giám đốc IMF cho rằng, khả năng chống chịu, thích ứng và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên 2 trụ cột vững chắc, không ngừng được củng cố trong nhiều thập kỷ qua. Đó là một thể chế mạnh, ngày càng hoàn chỉnh và cách tiếp cận ưu tiên tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo tính bao trùm trong hoạch định các chính sách vĩ mô. Người đứng đầu định chế tài chính hàng đầu thế giới mong rằng, Việt Nam có thể cùng IMF chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thành công của nền kinh tế Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là các đối tác ở khu vực châu Phi.

Nhìn nhận về quan hệ hợp tác giữa IMF và Việt Nam, bà Kristalina Georgieva cho biết, xuyên suốt chặng đường phát triển vừa qua của Việt Nam, IMF đã luôn là người bạn tốt, người đồng hành hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tổng Giám đốc IMF đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới thông qua thúc đẩy cải cách và quản trị rủi ro, nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò quan trọng của IMF trong giám sát sự ổn định kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế, tư vấn các nước trong xây dựng chính sách để ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững, cân bằng, toàn diện và biến đổi khí hậu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ, từ một nền kinh tế lạc hậu, nay Việt Nam đã nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang đứng trước khởi điểm cho một kỷ nguyên mới, hướng tới những cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra các mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Trong cuộc tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị, IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn đó, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo theo tinh thần lấy người dân là trung tâm và không bỏ ai lại phía sau.

Hợp tác thực chất và hiệu quả

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IMF kể từ sau năm 1976 tới nay đã phát triển tích cực, hiệu quả, nhất là từ khi dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đầu những năm 1990. Trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 3 khoản vay với tổng vốn 473 triệu SDR (Quyền rút vốn đặc biệt, tương đương với 653,3 triệu USD). Từ tháng 4-2004 đến nay, giữa hai bên không còn chương trình vay vốn và chuyển sang giai đoạn hợp tác mới. Tính tới thời điểm 31-12-2012, Việt Nam đã thanh toán hết các khoản nợ trước đây cho IMF.

Kết thúc giai đoạn vay vốn, hợp tác Việt Nam - IMF tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực như giám sát kinh tế vĩ mô, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Về giám sát kinh tế vĩ mô, hàng năm theo định kỳ, IMF thực hiện các đợt đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thông qua 2 đoàn công tác để nghiên cứu cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam để đưa ra các tư vấn, đánh giá, đề xuất về chính sách vĩ mô trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước…

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, IMF không tổ chức các Đoàn công tác đánh giá định kỳ sang Việt Nam, thay vào đó là tiếp xúc, thảo luận với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, IMF cũng xây dựng các kịch bản tăng trưởng và thực hiện các nghiên cứu chuyên đề về tác động của đại dịch Covid-19 tới một số lĩnh vực, khu vực kinh tế để từ đó đưa ra các khuyến nghị, tư vấn chính sách liên quan cho Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam. Trong đó, đã 3 lần thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, đoàn công tác của IMF cũng tích cực thực hiện các nghiên cứu chuyên đề về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động thương mại, khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ gia đình...

Từ năm 2022, IMF khôi phục các đoàn đánh giá định kỳ trực tiếp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, IMF tiếp tục thực hiện các báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của những bất ổn kinh tế toàn cầu tới kinh tế trong nước cũng như các vấn đề có tính thời sự khác và đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan cho Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Hỗ trợ kỹ thuật là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và IMF. Từ 1994 đến năm 2022, IMF đã cung cấp hơn 200 đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội nước ta về các nội dung đa dạng về tài chính công, nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương, thống kê, phòng chống rửa tiền… Năm 2022, ngoài một số hỗ trợ kỹ thuật bị hoãn dưới ảnh hưởng dịch Covid-19, đa số các dự án hỗ trợ kỹ thuật vẫn được tiếp tục dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp. Ngoài ra, IMF cũng thường xuyên tổ chức đối thoại tư vấn chính sách và thông tin cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Hàng năm, IMF cũng cung cấp học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và tài trợ cho cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham dự các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn về các chủ đề chính sách và kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thống kê… tại các Viện đào tạo khu vực của IMF tại Singapore, Mỹ; các Văn phòng khu vực của IMF như: Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (OAP), Văn phòng Tăng cường năng lực tại Thái Lan (CDOT)… và các nước thành viên được lựa chọn. Từ năm 1993 đến 2022, IMF đã đào tạo khoảng hơn 1.880 lượt cán bộ của Việt Nam trong các lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, kinh tế, tài chính, ngân hàng...

Trong buổi tiếp Đoàn công tác IMF hồi trung tuần tháng 6 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và IMF. Thủ tướng đề nghị, IMF tiếp tục chia sẻ, cập nhật thường xuyên các đánh giá, dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu, tác động tới các nền kinh tế khu vực và tư vấn các chính sách điều hành vĩ mô cho Việt Nam, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, quản lý ngân sách, chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý ngân hàng, phát triển thị trường vốn, tài chính xanh… cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-quy-tien-te-quoc-te-imf-hop-tac-thuc-day-tai-co-cau-nen-kinh-te-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-post590675.antd
Zalo