Việt Nam – Pháp: Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, bứt phá trong đầu tư và chuyển đổi năng lượng
Chiều 26/5, nhân dịp Tổng thống Emmanuel Macron và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Pháp tới thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và Số hóa Cộng hòa Pháp Eric Lombard nhằm thắt chặt hợp tác kinh tế – tài chính, mở rộng đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diễn giữa hai nước.
Quan hệ đối tác toàn diện hai nước ngày càng sâu sắc
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nồng nhiệt đón tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và Số hóa Cộng hòa Pháp Eric Lombard. Bộ trưởng trân trọng gửi lời chúc mừng tới Bộ trưởng Eric Lombard nhân dịp được bổ nhiệm vào cương vị mới; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với vai trò và trọng trách hiện nay, Bộ trưởng Eric Lombard sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Eric Lombard.
Với sự quan tâm và ủng hộ từ phía Bộ trưởng Eric Lombard cũng như Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kỳ vọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và tài chính sẽ không ngừng được mở rộng, ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, mang lại nhiều thành tựu và bước tiến mới trong thời gian tới.
Nhấn mạnh rằng cuộc gặp lần này thể hiện sự coi trọng sâu sắc của Việt Nam đối với quan hệ hợp tác với Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò và vị thế của Pháp trong khu vực và trên thế giới, đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn nữa trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Pháp trước đó đã tạo nền tảng vững chắc, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt là giữa các lãnh đạo cấp cao, mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác kinh tế và tài chính trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá buổi làm việc sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến tiến trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Việt Nam xác định đây là những xu hướng tất yếu, mang tính chiến lược và có ý nghĩa sống còn để phát triển bền vững trong dài hạn.
Thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều biến động khó lường, Chính phủ Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ những nỗ lực đó, kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Bước sang năm 2025, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Dự kiến, GDP bình quân đầu người năm 2025 sẽ đạt trên 5.000 USD, chỉ số CPI tăng bình quân từ 4,5–5%.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Nhấn mạnh quan hệ Việt Nam – Pháp có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã không ngừng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị – ngoại giao, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục – đào tạo và giao lưu nhân dân.

Buổi làm việc sẽ mở ra không gian hợp tác trong những lĩnh vực đầu tư và chuyển đổi năng lượng.
Những thành tựu này đã tạo nền tảng vững chắc để hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013 và tiếp tục phát triển thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024. “Pháp hiện là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ở cấp độ cao nhất với Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, hai bên luôn duy trì đều đặn các chuyến thăm và làm việc ở cấp lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của cả hai bên trong việc làm sâu sắc và thực chất hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp luôn được duy trì chặt chẽ và hiệu quả, với những kết quả nổi bật như việc Pháp hiện có 705 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu từ phía Pháp thông qua các dự án vay ODA được phân bổ cho nhiều ngành kinh tế quan trọng như năng lượng, bưu chính viễn thông, cấp nước, y tế, giao thông, khí tượng thủy văn, viễn thám, nông nghiệp…
Đến nay, Bộ Tài chính Việt Nam và Pháp đã duy trì truyền thống hợp tác lâu dài hơn 30 năm qua thông qua các tổ chức như Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (ADETEF) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Những chương trình hợp tác này đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ tài chính Việt Nam và hỗ trợ nghiên cứu chính sách trong các lĩnh vực kho bạc nhà nước, thuế và hải quan.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và thúc đẩy trao đổi chuyên môn trong quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính. Đồng thời, tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hợp tác kinh tế – tài chính giữa Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao vị thế của hai nền kinh tế trên trường quốc tế.
Để thích ứng hiệu quả với các xu thế chuyển đổi lớn hiện nay, Việt Nam rất cần sự đồng hành từ các đối tác chiến lược như Cộng hòa Pháp - một quốc gia có tiềm lực công nghệ mạnh, kinh nghiệm chuyển đổi sâu rộng và tầm nhìn phát triển bền vững. “Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Pháp, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, tiếp cận nguồn tài chính xanh, phát triển năng lượng sạch và cùng hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Pháp cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh
Bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Việt Nam vì lời mời tham dự chuyến thăm cấp cao quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và Số hóa Cộng hòa Pháp Eric Lombard nhấn mạnh rằng chuyến công du không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai nước trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp.

Hai Bộ trưởng chứng kiến Lễ trao ba văn kiện hợp tác có tổng trị giá hơn 29 triệu Euro.
Bộ trưởng Eric Lombard bày tỏ niềm vui khi trở lại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả. Ông nhắc lại chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, coi đó là biểu tượng của tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.
Đặc biệt, Pháp cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu mà Việt Nam nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện chiều sâu hợp tác trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và chính trị. Các cuộc hội đàm cấp cao, trong đó có cuộc gặp giữa Bộ trưởng Pháp và Tổng Bí thư Tô Lâm đã tái khẳng định những thông điệp quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương.
“Trong bối cảnh quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, chuyến thăm lần này là cơ hội để hai bên tăng cường phối hợp, cùng đối mặt với các thách thức chung và phát huy vai trò tại khu vực cũng như trên trường quốc tế. Với vị thế một cường quốc toàn cầu, Pháp mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển bền vững thông qua các hình thức hợp tác đa phương và song phương, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực kinh tế - tài chính toàn diện”, Bộ trưởng Eric Lombard nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Eric Lombard, Pháp hiện là một trong những đối tác tài chính song phương lớn nhất của Việt Nam, với tổng vốn hỗ trợ lên tới hơn 3,1 tỷ Euro trong hơn ba thập kỷ qua. Các khoản hỗ trợ chủ yếu dưới hình thức vay ODA ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng, giao thông, y tế và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Pháp cũng thiết lập các hạn mức tín dụng lớn cho các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam như BIDV, VietinBank, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển tại địa phương.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Bộ trưởng Eric Lombard cũng cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Với những kinh nghiệm thực tiễn, Pháp sẵn sàng chia sẻ chuyên môn trong quản lý, kỹ thuật và vận hành các dự án liên quan đến giao thông, môi trường và giảm phát thải. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hành lang pháp lý cho các lĩnh vực mới như thị trường carbon và tài chính xanh.
Bên cạnh đó, giao thông vận tải tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa Việt Nam và Pháp, với các dự án tiêu biểu như tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) và tuyến 3.2 (Ga Hà Nội – Hoàng Mai), có sự tham gia của các tập đoàn lớn của Pháp như Alstom và SNCF.
Trong lĩnh vực năng lượng, Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, thông qua các khoản tài trợ lớn từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Hợp tác song phương cũng đang được mở rộng sang các lĩnh vực y tế, văn hóa và công nghệ vệ tinh.
Bộ trưởng Eric Lombard nhấn mạnh, Pháp luôn đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc làm sâu sắc quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, với sự kết nối hiệu quả thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp (BDF), được đánh giá cao về uy tín, tính bền vững và cam kết đồng hành cùng quá trình phát triển lâu dài của Việt Nam. Do đó, Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng mô hình phát triển hài hòa, toàn diện và thích ứng hiệu quả với các thách thức môi trường.
Thúc đẩy hợp tác tương xứng với tầm vóc quan hệ giữa hai quốc gia
Hồi đáp lại những cam kết mà Bộ trưởng Eric Lombard đã đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính từ phía Pháp trong suốt thời gian qua, đặc biệt thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ AFD và Tổng vụ Ngân khố Pháp. Đồng thời khẳng định một lần nữa, Pháp là một trong những đối tác tài chính quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội bền vững cả hai quốc gia.
Về triển vọng hợp tác trong tương lai, Bộ trưởng cho biết Việt Nam cần vốn đầu tư lớn cho hạ tầng, nhất là giao thông đường sắt, năng lượng và không gian vũ trụ. Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về sử dụng vốn vay, đồng thời đề nghị Pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Việt Nam xác định nhu cầu đầu tư và tiếp tục hỗ trợ ODA ưu đãi.
Về thị trường các-bon, Bộ trưởng khẳng định Bộ Tài chính giữ vai trò chủ trì xây dựng sàn giao dịch và cơ chế tài chính, đồng thời đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật từ AFD và Thỏa thuận hợp tác mới về tài chính xanh.
Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng ghi nhận hiệu quả tích cực từ 9 dự án AFD tài trợ, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3 đã giải ngân 66% vốn Pháp, đoạn trên cao đã vận hành, đoạn ngầm đang thi công. Tuyến 3.2 đang chờ phê duyệt đề xuất để triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng rằng, sự hợp tác hiệu quả giữa hai Bộ trong thời gian tới sẽ không chỉ góp phần nâng cao năng lực thể chế và tài chính cho Việt Nam, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cả hai quốc gia.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã cùng chứng kiến Lễ trao ba văn kiện hợp tác có tổng trị giá hơn 29 triệu Euro, thể hiện cam kết mạnh mẽ giữa hai bên trong thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời tăng cường năng lực cho Bộ Tài chính trong công tác xây dựng chính sách tài chính xanh.
Ba văn kiện được trao gồm: Thỏa thuận vay trị giá 27,095 triệu Euro và Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại trị giá 1,7 triệu Euro cho Dự án chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Ninh Thuận; và Thỏa thuận hợp tác trị giá 500.000 Euro nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh cho Bộ Tài chính.