Việt Nam nổi lên trong vai trò quốc gia kết nối toàn cầu

Bất chấp những rủi ro có thể nảy sinh từ các cuộc xung đột trên thế giới như ở khu vực Trung Đông, Ukraine, thương mại toàn cầu vẫn tăng trưởng tích cực, làm nổi rõ vai trò của 'các quốc gia kết nối' như Việt Nam.

Thương mại hàng hóa toàn cầu gia tăng tích cực

Theo bản cập nhật Báo cáo triển vọng thương mại toàn cầu mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 10-10, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 2,7% trong năm 2024, cao hơn so với dự báo 2,6% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Sự điều chỉnh dự báo này dựa trên dữ liệu tích cực trước đó. Theo báo cáo, thương mại hàng hóa toàn cầu đã có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2023. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến hết năm 2024, song ở mức độ vừa phải, và có thể kéo sang cả năm 2025.

Hạ tầng được cải thiện giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

Hạ tầng được cải thiện giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

Đối với từng khu vực, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ở châu Á diễn ra mạnh mẽ hơn so với ở châu Âu. Cụ thể, báo cáo nhận định khối lượng xuất khẩu của châu Á sẽ tăng tới 7,4% vào năm 2024, tức nhanh hơn so với các khu vực khác. Khu vực này chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay, trong đó động lực chính là từ Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Khu vực Nam Mỹ cũng đang trên đà phục hồi trong năm 2024, sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong cả xuất khẩu và nhập khẩu vào năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của châu Phi đang cùng nhịp với xu hướng toàn cầu.

Thương mại của châu Á gia tăng tích cực là do khu vực này chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay, dự báo ở mức 4%. Trong khi đó, theo dự báo của WTO, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ổn định ở mức 2,7% trong cả hai năm 2024 và 2025. Còn tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Âu dự báo ở mức thấp 1,1%. Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu ở châu Á cho thấy những xu hướng trái chiều. Nếu như xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn thì ở các nước khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam, hoạt động này đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, mặc dù có những cơ sở để kỳ vọng thương mại toàn cầu dần phục hồi trong năm nay, song các nước vẫn cần thận trọng trước những nguy cơ tiềm ẩn. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp đơn phương hạn chế thương mại, những tác động của căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu tiếp tục là “cơn gió ngược” đối với kinh tế thế giới.

Đặc biệt, nguy cơ leo thang căng thẳng địa chính trị ở những khu vực trên thế giới, chẳng hạn như ở Trung Đông, cũng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu và hoạt động vận tải biển, dẫn đến biến động hoạt động thương mại toàn cầu. Trong trường hợp đó, các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp có thể hứng chịu những tác động nghiêm trọng nhất.

Khó khăn còn nhiều nhưng theo bà Okonjo-Iweala, vẫn có nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO chỉ ra rằng tương lai thương mại phụ thuộc vào các lĩnh vực dịch vụ, số hóa và kinh tế xanh. Theo đó, tăng trưởng và tạo việc làm được thúc thẩy thông qua số hóa, đồng thời thương mại cũng giúp tăng cường an ninh lương thực toàn cầu và đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đặc biệt, nhờ có những quốc gia đóng vai trò kết nối xuyên khu vực trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu bất chấp xung đột như Mexico, Việt Nam và tiếp theo là Ấn Độ, nguy cơ phân mảnh trong các hoạt động kinh tế toàn cầu có thể giảm bớt. Theo giải thích của ông Ralph Ossa - nhà Kinh tế trưởng của WTO, hiện nhiều hoạt động thương mại xuyên khu vực dường như đang được thực hiện thông qua các quốc gia kết nối này, trong khi nhiều mối quan hệ thương mại song phương trực tiếp khác lại chịu ảnh hưởng.

Mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu

Chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như “huyết mạch” của kinh tế thế giới. Đáng mừng là trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Thêm vào đó, Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn. Với 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Lực lượng lao động của Việt Nam lại trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp; vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ 8 nhóm lợi thế như: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là môi trường pháp lý đầy đủ; chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư; môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện.

Chính vì thế, làn sóng đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đến từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới vào Việt Nam ngày càng rõ nét, đưa Việt Nam dần trở thành địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào Việt Nam với 4 cơ sở sản xuất hiện đóng góp tới 30% vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Cuối năm 2022, Samsung chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội, với tham vọng phát triển thành cứ điểm chiến lược của hãng về nghiên cứu và phát triển quy mô lớn.

Dấu ấn tiếp theo phải kể đến là hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G… đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Điểm đặc biệt, hiện không chỉ là nhà cung cấp chính trong lĩnh vực dệt may, giày dép cho thị trường hàng đầu thế giới, xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất đã đưa Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng.

Với triển vọng trở thành một trong những trung tâm sản xuất tiềm năng của thế giới trong thời gian tới, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu, đóng góp vào tăng trưởng thương mại của nền kinh tế thế giới.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-noi-len-trong-vai-tro-quoc-gia-ket-noi-toan-cau-post592340.antd
Zalo