Việt Nam – Nhật Bản: Hợp lực chuyển đổi số, đồng hành phát triển xanh

Công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, năng lượng sạch, kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho phát triển nhanh, bền vững Việt Nam – Nhật Bản.

Đây là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghệ chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn diễn ra chiều 28/4 tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Khánh Huyền)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Khánh Huyền)

Năm 2030: Kinh tế số chiếm ít nhất 30% GDP

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam xác định chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng trọng yếu cho sự phát triển kinh tế, đồng thời là động lực thúc đẩy hợp tác quốc tế. Chính phủ Việt Nam cam kết đẩy mạnh thể chế thông thoáng, đầu tư hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực trí tuệ, nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về vấn đề này, tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Tài chính - cho biết thêm: "Việt Nam đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn và công nghệ xanh, với mục tiêu đưa kinh tế số chiếm ít nhất 30% GDP vào năm 2030 và đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo toàn cầu."

Thủ tướng Ishiba Shigeru bày tỏ sự nhất trí cao với định hướng này, khẳng định Nhật Bản sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình số hóa nền kinh tế. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), công nghệ lượng tử và sinh học, đồng thời phối hợp tổ chức khóa họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về Khoa học Công nghệ tại Nhật Bản vào năm 2026.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình số hóa nền kinh tế. (Ảnh: Khánh Huyền)

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình số hóa nền kinh tế. (Ảnh: Khánh Huyền)

Nhật Bản tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam với hơn 5.500 dự án FDI đang có hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ USD, trải rộng trên 59 tỉnh, thành phố. Riêng trong quý I/2025, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ – một tín hiệu cho thấy tiềm năng hợp tác còn rất lớn trong giai đoạn tới.

Nhật Bản đầu tư 20 tỷ USD chuyển đổi năng lượng

Bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được xác định là trụ cột chiến lược trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việt Nam cam kết phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hướng tới nền kinh tế xanh, bao trùm và bền vững, đồng thời phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050." Đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực công, tư và sự đồng hành từ các đối tác quốc tế.

Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai 15 dự án chuyển đổi năng lượng quy mô hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC). Các dự án này tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và áp dụng công nghệ giảm phát thải carbon.

Thủ tướng Ishiba Shigeru cũng khẳng định Nhật Bản sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển giao công nghệ sạch, phát triển công nghệ vật liệu mới, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và xây dựng đô thị thông minh, giao thông bền vững. Hai bên nhất trí phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA và FDI trọng điểm về hạ tầng xanh, đường sắt đô thị, cải thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp với tinh thần "3 thông": "thể chế thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản trị thông minh".

NIC Việt Nam và Đại học Hiroshima ký thỏa thuận đào tạo nhân lực công nghệ cao, tập trung vào bán dẫn, AI và vật liệu mới. (Ảnh: NIC)

NIC Việt Nam và Đại học Hiroshima ký thỏa thuận đào tạo nhân lực công nghệ cao, tập trung vào bán dẫn, AI và vật liệu mới. (Ảnh: NIC)

Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và kinh tế xanh, Việt Nam và Nhật Bản đặc biệt chú trọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Hai bên thống nhất kế hoạch đào tạo 50.000 chuyên gia ngành bán dẫn tại Việt Nam từ nay đến năm 2030. Nhật Bản cam kết tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ trong lĩnh vực bán dẫn từ Việt Nam, qua đó từng bước hình thành đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu có trình độ cao, góp phần xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Tại Diễn đàn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Việt Nam và Đại học Hiroshima Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực công nghệ cao, tập trung vào các ngành chiến lược như bán dẫn, AI và công nghệ vật liệu mới.

Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Ishiba Shigeru cũng tới thăm trường Đại học Việt Nhật (ĐHQG Hà Nội). Ông đánh giá cao nỗ lực của trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo hiện đại về Công nghệ Kỹ thuật Chíp Bán dẫn, Điều khiển Thông minh, Tự động hóa, và bày tỏ kỳ vọng trường sẽ tiếp tục đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác công nghệ Việt Nam – Nhật Bản.

Thanh Trà - Khánh Huyền

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viet-nam-nhat-ban-hop-luc-chuyen-doi-so-dong-hanh-phat-trien-xanh-ar940510.html
Zalo