Việt Nam-Nepal: Tình hữu nghị tiếp tục phát triển và bền vững

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam và Nepal thúc đẩy hợp tác đa lĩnh vực, tăng cường hiểu biết và phát triển bền vững.

Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng tiếp ông Rabindra Adhikari năm 2024. (Ảnh: Thu Anh/Vietnam+)

Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng tiếp ông Rabindra Adhikari năm 2024. (Ảnh: Thu Anh/Vietnam+)

50 năm trước, ngày 15/5/1975, Việt Nam và Nepal chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nepal.

Ngày 15/5/1975, Việt Nam và Nepal chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, là sự kiện lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Trải qua nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị luôn luôn được vun đắp, củng cố và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, văn hóa. Trong đó, các hoạt động giao lưu nhân dân đã góp phần quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị hai nước.

Bước sang kỷ nguyên mới, với nền tảng vững chắc 50 năm hữu nghị, quan hệ Việt Nam-Nepal hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và bền vững hơn nữa, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.

Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nepal được xây dựng trên nền tảng của sự tương đồng về văn hóa, lịch sử và những tình cảm đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong những giai đoạn khó khăn.

Ngay từ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, nhân dân Nepal đã thể hiện tình cảm đoàn kết sâu sắc, ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước.

Quốc hội Nepal từng ra nghị quyết lên án hành động ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ, đồng thời ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành thành viên Phong trào Không liên kết. Đây là những minh chứng sống động cho tình hữu nghị truyền thống, là điểm tựa tinh thần quý báu cho sự phát triển quan hệ hai nước sau này.

Sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã duy trì sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Nepal đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (tháng 10/2014), ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 11/2013), Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC, 2016-2018) và vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021). Đáp lại, Việt Nam cũng ủng hộ Nepal ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2018-2020). Những hành động này không chỉ thể hiện sự tin cậy chính trị mà còn góp phần nâng cao vị thế của cả hai quốc gia trên trường quốc tế.

Trong bức tranh tổng thể của quan hệ song phương, ngoại giao nhân dân, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal và Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal (NPSC) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân hai nước đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.Chuyến công tác của Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal tới Nepal từ ngày 26/9 đến 4/10/2024 là một ví dụ điển hình.

Đoàn đã có những cuộc làm việc, tiếp xúc quan trọng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Nepal như nguyên Tổng thống Devi Bandhari, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nepal Marxist-Leninist Thống nhất (CPN-UML) Surenda Pandey, cùng lãnh đạo các tổ chức nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Tại các cuộc gặp, phía Nepal đều bày tỏ sự vui mừng, đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, đặc biệt là quan hệ giữa Đảng CPN-UML và Đảng Cộng sản Việt Nam. Bạn khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn và cần được thúc đẩy mạnh mẽ trên tất cả các kênh: Đảng, Chính phủ, Quốc hội và đối ngoại nhân dân.Các nhà lãnh đạo Nepal đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các tổ chức nhân dân trong việc tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Ông Surenda Pandey, với vai trò là Phó Chủ tịch Đảng CPN-UML, đã đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi Việt Nam là nguồn cảm hứng, tấm gương về sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc và xóa đói giảm nghèo.

Sự đánh giá này đã tạo động lực to lớn để Việt Nam và Nepal tiếp tục vun đắp mối quan hệ truyền thống.Chuyến thăm và làm việc này của Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal cũng ghi nhận những tình cảm đặc biệt từ phía bạn.

Lãnh đạo Nepal đã chia sẻ về những mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những khó khăn do bão Yagi gây ra. Đoàn Việt Nam cũng gửi lời hỏi thăm, chia sẻ về những khó khăn mà người dân Nepal gặp phải trong đợt lũ lụt. Những cử chỉ chân thành này càng làm sâu sắc thêm tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, đã luôn dành sự hỗ trợ quý báu và liên tục cho các hoạt động đối ngoại của Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal và đối tác NPSC. Sự phối hợp chặt chẽ này là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của các hoạt động giao lưu nhân dân.

Mặc dù quan hệ chính trị-ngoại giao và giao lưu nhân dân có những bước phát triển tích cực, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nepal vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, thương mại hai chiều giai đoạn 2012-2017 đã có sự tăng trưởng ấn tượng (tăng 400% - từ 9,35 triệu USD lên 47 triệu USD), tuy nhiên quy mô tổng thể vẫn còn nhỏ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nepal các mặt hàng như hạt tiêu, chất dẻo, nước uống đóng chai và nhập khẩu hàng dệt may, da giày, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong các cuộc làm việc, cả hai bên đều nhất trí rằng cần phải có những biện pháp đột phá để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Phía Nepal bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Nepal, đặc biệt trong các lĩnh vực mà nước này có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như: thủy điện, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Hội Hữu nghị Việt Nam - Nepal và NPSC đã và đang nỗ lực đóng vai trò là cầu nối tích cực giữa các doanh nghiệp hai nước.

Chuyến thăm của đoàn NPSC tới Việt Nam vào tháng 12/2023 và tháng 5/2024, với sự tham gia của các doanh nghiệp Nepal, là minh chứng cho mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế một cách thực chất. Các cuộc làm việc giữa doanh nghiệp hai bên đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như văn phòng phẩm, da giày, quần áo thể thao, hải sản.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tiềm năng này, nhiều rào cản cần được tháo gỡ. Một trong những khó khăn được phía Nepal nêu ra là vấn đề visa cho công dân Nepal vào Việt Nam (thời gian xét duyệt lâu, hạn visa ngắn). Việc giải quyết vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao lưu thương mại và du lịch. Bên cạnh đó, việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Nepal là một đề xuất quan trọng, được cả hai bên nhiều lần nhấn mạnh.

Đường bay thẳng không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi cho các phật tử và người dân hai nước đến thăm đất nước của nhau (đặc biệt là du lịch tâm linh đến Lumbini, quê hương của Đức Phật, và các danh thắng của Việt Nam) mà còn là cú hích lớn cho các hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch.

Văn hóa, giáo dục và du lịch là những lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sự tương đồng về văn hóa và các giá trị nhân văn là nền tảng thuận lợi để hai nước tăng cường giao lưu.Du lịch là một điểm sáng. Nepal với dãy Himalaya hùng vĩ, đặc biệt đỉnh Everest và đền Lumbini linh thiêng, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam với những di sản thế giới, bãi biển đẹp và văn hóa ẩm thực phong phú cũng thu hút sự quan tâm của du khách Nepal. Việc mở đường bay thẳng và đơn giản hóa thủ tục visa sẽ là yếu tố then chốt để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của hai nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, có một nhu cầu đáng kể từ các cơ sở giáo dục Việt Nam mong muốn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh người Nepal. Đây là một kênh quan trọng không chỉ để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam mà còn tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước. Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal đang tích cực làm việc để kết nối cung cầu, đồng thời thảo luận về các điều kiện làm việc, sinh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên Nepal.

Các hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn để người dân hai nước có cơ hội tiếp xúc và hiểu sâu hơn về nền văn hóa của nhau. Những năm gần đây, thông qua các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam-Nepal đều có báo cáo cùng các kiến nghị, đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Chính phủ để xem xét có biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng như các hoạt động hợp tác về kinh tế, thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịch.

Năm 2025 là năm đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng: 50 năm ngày Việt Nam và Nepal chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dịp để hai nước cùng nhìn lại chặng đường hợp tác đã qua, đồng thời đặt ra những mục tiêu và định hướng mới phát triển quan hệ ngoại giao, phát triển tình hữu nghị và hợp tác trong tương lai.

Thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của sự kiện này, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal và NPSC đã cùng xây dựng kế hoạch hoạt động để báo cáo với lãnh đạo hai nước chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách trang trọng, ý nghĩa và thiết thực tại cả Việt Nam và Nepal. Các hoạt động dự kiến bao gồm: trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, để tăng cường sự tin cậy chính trị và định hướng hợp tác; tổ chức hội thảo quốc tế về quan hệ hai nước, đánh giá thành tựu và đề xuất phương hướng hợp tác; các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực tại mỗi nước; các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ thương mại để thúc đẩy kết nối kinh tế.

Việc tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm không chỉ là dịp ôn lại truyền thống hữu nghị mà còn là cơ hội để tạo ra những đột phá mới, nâng tầm quan hệ song phương lên một giai đoạn phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững hơn.

Trải qua 50 năm, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nepal đã không ngừng được củng cố và phát triển. Với nền tảng vững chắc của tình hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau, cùng với quyết tâm chính trị và nỗ lực không mệt mỏi của cả hai phía, đặc biệt là vai trò tích cực của các tổ chức ngoại giao nhân dân như Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal và Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nepal đang đứng trước những cơ hội lớn để nâng tầm hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Việc hiện thực hóa các tiềm năng, vượt qua những thách thức đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Ở Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam- Nepal và nhiều tổ chức, cá nhân đã sẵn sàng đóng góp vào việc tổ chức các hoạt động để tăng thêm sự hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quốc gia thông qua các hoạt động giao lưu nhiều ý nghĩa.

Với sự đồng lòng và quyết tâm, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nepal chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-nepal-tinh-huu-nghi-tiep-tuc-phat-trien-va-ben-vung-post1038383.vnp
Zalo