Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về dự án đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh kết nối giao thông, trong đó có đường sắt, phục vụ phát triển xanh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước.

Chiều 25/6, nhân dịp tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lou Qiliang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC).

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh kết nối giao thông nhiều hơn, trong đó có kết nối đường sắt, phục vụ phát triển xanh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước. Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc, do đó hai nước phải đẩy mạnh kết nối giao thông.

Lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Lãnh đạo CRSC khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ: Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước, và cả đường sắt đô thị. Do đó, Việt Nam mong muốn trao đổi tìm cơ hội hợp tác, mong Trung Quốc hỗ trợ thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. 3 tuyến đường sắt này dài hơn 700 km, có vai trò quan trọng; Việt Nam mong triển khai sớm, đồng thời cũng mong muốn đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị.

Chia sẻ cùng Thủ tướng, ông Lou QiLiang đánh giá, phát triển đường sắt là động lực lớn cho phát triển đất nước Trung Quốc. Tập đoàn CRSC là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về tín hiệu đường sắt. Riêng về lĩnh vực tàu điện ngầm, tập đoàn chiếm thị phần 45%.

Tập đoàn mong hợp tác với Việt Nam vì có thế mạnh từ khâu thiết kế đến sản xuất hệ thống tín hiệu kiểm soát đường sắt, trong đó có phần mềm, số hóa thiết bị - tạo thành chuỗi khép kín.

Liên quan lĩnh vực giao thông đường sắt, ông Lou QiLiang cho biết, nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng; do đó đơn vị có thể đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Tập đoàn có lực lượng hùng hậu về phát triển đường sắt đô thị, nhất là mảng tín hiệu.

Trong lĩnh vực này, tập đoàn đang hợp tác chặt chẽ với Singapore. Ông Lou QiLiang nhấn mạnh rằng, muốn phát triển hệ thống đường sắt thì quan trọng vẫn phải phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, tập đoàn cũng có những mô hình hợp tác với Indonesia, một số nước châu Phi. Vì vậy, có thể căn cứ tình hình cụ thể để có hình thức đầu tư khác nhau.

Chuyển đổi số nhằm rút ngắn quá trình hiện đại hóa

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu về chương trình chuyển đổi số của Việt Nam nhằm rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“CRSC có thế mạnh về chuyển đổi, do đó mong tập đoàn hợp tác với Việt Nam, tham gia các dự án chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (từ trái qua) dự khai mạc Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Đại Liên (WEF Đại Liên 2024) sáng 25/6. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (từ trái qua) dự khai mạc Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Đại Liên (WEF Đại Liên 2024) sáng 25/6. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao dài hơn 1.500 km.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông Thắng hy vọng thời gian tới hai bên có trao đổi, hợp tác.

Bộ trưởng đánh giá, trong đường sắt tốc độ cao, hệ thống thông tin tín hiệu là hết sức quan trọng, quyết định sự an toàn hệ thống. Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo xây dựng các hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, điều này tạo dư địa lớn để hai bên hợp tác. Khi Trung Quốc có công nghệ tốt, giá thành hợp lý thì đây là cơ hội tốt, hai bên cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ để phát triển dự án đường sắt ở Việt Nam.

Ông Thắng thông tin, Chính phủ đang chỉ đạo 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, hy vọng giữa 2025, hai bên có thể triển khai dự án đầu tiên tuyến Lào Cai - Hải Phòng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lou QiLiang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lou QiLiang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý kiến của tập đoàn về sự cần thiết quản lý đường sắt bằng công nghệ số. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Do đó, muốn xây dựng phát triển ngành công nghiệp đường sắt thì phải có nguồn nhân lực.

Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực, chỉ huy, kiểm soát, thiết kế trong dự án đường sắt. Trong đó, nhân lực phải đi trước một bước, rồi mới chuyển giao công nghệ. Thủ tướng mong tập đoàn quan tâm vấn đề này, sớm sang Việt Nam trao đổi cụ thể để xúc tiến các dự án.

CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-muon-hop-tac-voi-trung-quoc-ve-du-an-duong-sat-2295217.html
Zalo