Việt Nam - Malaysia hợp tác bền vững
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia thể hiện cam kết mạnh mẽ giữa hai nước trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị hợp tác lâu dài và đối tác chiến lược
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia, ông Dato’ Sri Ismail Sabri Yaacob, đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến 22-3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri Yaacob dự lễ đón chính thức và hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri Yaacob và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác, bao gồm Bản ghi nhớ giữa chính phủ hai nước về hợp tác pháp luật; Bản ghi nhớ giữa chính phủ hai nước về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động; ký Ý định thư về việc tạo thuận lợi cho việc hoàn tất Bản ghi nhớ giữa Viện Quan hệ Ngoại giao và Đối ngoại Malaysia và Học viện Ngoại giao Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đào tạo cán bộ ngoại giao; ký thỏa thuận hợp tác giữa hãng Thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) và Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường tin cậy chính trị và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia ngày càng sâu rộng và toàn diện, nhất là trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương trong năm 2023. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại hai chiều theo hướng cân bằng và bền vững, nỗ lực đưa kim ngạch song phương đạt 18 tỉ USD vào năm 2025. Hai bên nhất trí mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của hai nước, bao gồm nông sản và thủy sản, các sản phẩm Halal, thực phẩm chế biến, linh kiện và thành phẩm điện tử...
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao vai trò của Malaysia với vị trí là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong ASEAN vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 13 tỉ USD. Hai bên thống nhất sẽ mở rộng hợp tác đầu tư, đặc biệt trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng như tự động hóa, hậu cần thông minh, công nghệ cao, kinh tế số, chuyển đổi số... Song song đó là phối hợp để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới mà hai nước cùng tham gia, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trao đổi về những diễn biến chính của khu vực và quốc tế gần đây, hai bên cam kết sẽ tăng cường phối hợp trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong hợp tác quốc phòng và an ninh, các nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường phối hợp giữa các lực lượng hải quân và cảnh sát biển. Hai bên ủng hộ đẩy mạnh hợp tác trên biển và đại dương trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo nhắc lại lập trường nhất quán của ASEAN về biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Hai bên kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) theo hướng thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác hướng tới khả năng tự cường và phát triển bền vững của nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19. Hai bên đồng ý đẩy nhanh đàm phán hiệp định mới về hàng không song phương và hoan nghênh việc sớm công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc-xin".