Việt Nam luôn đề cao quyền của trẻ em dân tộc thiểu số
Là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với các công ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em.
Tóm tắt
Trẻ em dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng đặc biệt được pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia công nhận và bảo vệ. Trẻ em dân tộc thiểu số vừa thừa hưởng quyền của trẻ em nói chung, vừa có các quyền đặc thù của nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế đời sống của nhiều trẻ em dân tộc thiểu số thường xuyên đối diện với khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em dân tộc thiểu số đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ nhà nước và xã hội thông qua các chính sách và pháp luật chuyên biệt. Điều này nhằm đảm bảo trẻ em không chỉ được phát triển toàn diện mà còn có cơ hội hòa nhập bình đẳng trong xã hội, vượt qua các rào cản kép mà họ phải đối diện.
Giới thiệu
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên khắp cả nước. Trong đó, trẻ em dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số trẻ em, đặc biệt tập trung tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Nhà nước Việt Nam quan tâm, đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt, dù vậy vẫn còn tồn tại một số khó khăn cả về giáo dục, y tế và điều kiện sống, rào cản ngôn ngữ, phong tục tập quán... Điều đó đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm tới trẻ em dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo các em có điều kiện phát triển toàn diện.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á và thứ hai trên thế giới trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989, đã thể hiện rõ cam kết trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Việc thừa nhận tính đặc thù của nhóm trẻ em dân tộc thiểu số đã được thể hiện thông qua khung chính sách và pháp luật cho thấy Việt Nam đã và đang nỗ lực bảo đảm quyền lợi cho nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, thể hiện qua việc đã ban hành các chính sách, pháp luật tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền trẻ em nói chung và quyền của trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Điều này tạo nên sự bảo vệ toàn diện, giúp đảm bảo rằng trẻ em dân tộc thiểu số không chỉ được hưởng quyền lợi như mọi trẻ em khác, mà còn được hỗ trợ dựa trên văn hóa, ngôn ngữ và phong tục đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
1. Một số khái niệm cơ bản
Trẻ em: Theo Điều 1 Công ước CRC: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp pháp luật (của quốc gia thành viên) áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn”. Theo Luật Trẻ em Việt Nam 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, nhỏ hơn 2 tuổi so với quy định chung của quốc tế. Mặc dù vậy, những trẻ em Việt Nam từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng được bảo vệ theo các cơ chế pháp lý đặc thù riêng với tư cách là người chưa thành niên.
Trẻ em chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, chưa có đủ năng lực pháp lý đầy đủ và cũng không có khả năng tự bảo vệ, vì thế trẻ em được coi là nhóm dễ bị tổn thương. Trong số đó trẻ em dân tộc thiểu số – nhóm đối tượng phải đối mặt với nhiều thách thức riêng biệt do các yếu tố như xuất phát điểm thấp hơn, rào cản ngôn ngữ, văn hóa và điều kiện sống khó khăn. Những trẻ em này không chỉ cần được bảo vệ và hỗ trợ như mọi trẻ em khác, mà còn cần những biện pháp đặc thù nhằm đảm bảo quyền của họ trong bối cảnh văn hóa và xã hội đặc thù của các dân tộc thiểu số.
Dân tộc thiểu số: Dân tộc thiểu số được định nghĩa theo nhiều khía cạnh khác nhau, dựa trên bản sắc về dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Theo Điều 1 của Tuyên bố Liên Hợp Quốc về Quyền của các nhóm thiểu số (1992), nhóm thiểu số là những nhóm có đặc điểm riêng về dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa khác với phần lớn dân số trong một quốc gia. Sự tồn tại của một nhóm thiểu số thường dựa trên hai yếu tố: yếu tố khách quan (ví dụ, có chung dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo) và yếu tố chủ quan (các cá nhân tự nhận mình thuộc về nhóm đó). Mặc dù có những khái niệm chung nhưng định nghĩa về dân tộc thiểu số vẫn chưa có sự đồng thuận quốc tế rõ ràng. Theo Oxford Dictionary định nghĩa dân tộc thiểu số là "một nhóm trong cộng đồng có truyền thống dân tộc hoặc văn hóa khác biệt so với phần lớn dân số".[1]
Định nghĩa về nhóm dân tộc thiểu số thay đổi tùy theo ngữ cảnh, nhưng thường đề cập đến một nhóm nhỏ của tổng dân số, chính vì vậy các chính sách và quy định pháp luật của các quốc gia cần tính đến những đặc thù này để bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số một cách toàn diện.
Ở Việt Nam, dân tộc thiểu số được định nghĩa là “những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.
Trẻ em dân tộc thiểu số: Có số lượng thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa và có bản sắc riêng. Định nghĩa mở rộng này bao gồm các tiêu chí nhưng không giới hạn ở chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần... [2].Trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số thường sinh sống ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đối diện với nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Quyền của trẻ em dân tộc thiểu số: Là tập hợp các quyền cơ bản mà trẻ em dân tộc thiểu số được hưởng, nhằm đảm bảo có cơ hội phát triển toàn diện như trẻ em từ các nhóm dân tộc khác. Trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số, giống như mọi trẻ em khác, đều có những quyền con người cơ bản. Những quyền này được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia bao gồm quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa... Đồng thời, trẻ em dân tộc thiểu số cũng được hưởng các quyền trẻ em tương tự như các trẻ em khác. Hơn thế nữa, trẻ em dân tộc thiểu số còn được hưởng quyền của người dân tộc thiểu số với tư cách là một nhóm thiểu số, yếu thế trong xã hội.
Quyền trẻ em dân tộc thiểu số là sự kết hợp giữa quyền của trẻ em và quyền của nhóm dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo rằng các trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số không chỉ được hưởng những quyền cơ bản của mọi trẻ em, mà còn được bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt dựa trên bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, và truyền thống của dân tộc mình. Cụ thể, trẻ em dân tộc thiểu số cũng được thụ hưởng như nhóm trẻ em đa số bao gồm quyền giáo dục, quyền tham gia,...
Bên cạnh đó, trẻ em dân tộc thiểu số vẫn được đảm bảo và thực hiện các quyền đặc thù của nhóm dân tộc thiểu số, quyền giữ gìn bản sắc văn hóa và ngôn ngữ,... Quyền của trẻ em dân tộc thiểu số thể hiện sự kết hợp giữa hai hệ thống quyền trên, đảm bảo rằng trẻ em dân tộc thiểu số không chỉ được hưởng những quyền cơ bản như mọi trẻ em khác, mà còn được bảo vệ quyền riêng biệt của nhóm dân tộc của họ. Nói cách khác đảm bảo và thực hiện quyền của nhóm trẻ em dân tộc thiểu số không phải chịu thiệt thòi so với trẻ em nói chung, duy trì và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình trong bối cảnh hội nhập và phát triển của xã hội hiện đại.
2. Sự cần thiết phải ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền trẻ em dân tộc thiểu số
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền của các nhóm thiểu số (1992) cũng lưu ý rằng trẻ em dân tộc thiểu số thường đặc biệt dễ bị tổn thương vì có đời sống xuất phát điểm thấp hơn với những nhóm còn lại cả về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, rào cản ngôn ngữ…. Điều này đòi hỏi cần có các chính sách và biện pháp bảo vệ đặc biệt nhằm đảm bảo rằng quyền của trẻ em dân tộc thiểu số được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.
Thêm vào đó, các yếu tố về cơ sở vật chất gây cản trở và giới hạn trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Các em thường sống trong những khu vực có điều kiện kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, và ít cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng. Điều này dẫn tới nguy cơ nghèo đói và tình trạng lao động trẻ em. Bên cạnh đó là vấn đề tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được nâng lên.[3]
Việc có các chính sách, pháp luật cụ thể sẽ tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển bình đẳng về mọi mặt, từ học tập đến y tế. Những chính sách và pháp luật riêng biệt sẽ giúp nhấn mạnh sự chú ý của nhà nước và xã hội đối với những nhu cầu và khó khăn đặc thù của nhóm trẻ em này.
Là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với các công ước quốc tế về bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em, qua việc tham gia và phê chuẩn nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng. Bên cạnh Công ước CRC, Việt Nam cũng là thành viên của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), và Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Những văn kiện quốc tế này đều yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm trẻ em và các nhóm dân tộc thiểu số.
Cam kết của Việt Nam đối với các công ước này thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ trong việc xây dựng và thực thi các chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhóm trẻ em dân tộc thiểu số.
3. Chính sách, pháp luật về quyền trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Khung chính sách và pháp luật về trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của Hiến pháp, Luật Trẻ em và các văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Những quy định này đảm bảo quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử và tạo điều kiện để trẻ em dân tộc thiểu số phát triển toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước (CRC), cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ các nhóm dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo họ không bị thiệt thòi so với các nhóm dân tộc khác trong xã hội.
Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất của Việt Nam, trong đó quyền trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng được quy định. Tại Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và phân biệt đối xử. Nhà nước, gia đình và xã hội có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em”. Thêm vào đó các quy định về nhóm dân tộc thiểu số cũng được Nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện “Nhà nước bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trong đó có quyền của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế” căn cứ Điều 58 Hiến pháp 2013. Các quy định này phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội đa dạng và hòa nhập, nơi các nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em thuộc dân tộc thiểu số, được quan tâm và hỗ trợ để vượt qua những rào cản văn hóa, ngôn ngữ và kinh tế.
Từ các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quyền của trẻ em dân tộc thiểu số thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, tạo thành một hệ thống pháp luật về bảo đảm, thực thi và thúc đẩy quyền trẻ em dân tộc thiểu số. Hiện nay, các quy định điều chỉnh quyền trẻ em dân tộc thiểu số được cụ thể hóa tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Bình đẳng giới 2006...
Luật Trẻ em 2016 là một văn bản pháp lý quan trọng cụ thể hóa các quyền trẻ em trong đó có quyền trẻ em dân tộc thiểu số đã được Hiến pháp công nhận, đồng thời quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quyền của trẻ em dân tộc thiểu số. Là văn bản chuyên ngành quy định về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em và các chính sách liên quan. Đối với trẻ em dân tộc thiểu số, Luật này đảm bảo các quyền đặc thù như Điều 5 quy định về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em bao gồm nguyên tắc bảo đảm thực hiện, lợi ích tốt nhất cho trẻ và không phân biệt đối xử với trẻ em. Về bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 44 cụ thể “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em…trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động”.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 của Việt Nam không chỉ đặt ra các nguyên tắc về bình đẳng giới mà còn quy định cụ thể nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của trẻ em gái dân tộc thiểu số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, và các dịch vụ xã hội khác. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường công bằng, nơi mọi trẻ em, bất kể giới tính hay dân tộc, đều được hưởng quyền bình đẳng và có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình. Luật Bình đẳng giới 2006 đã cung cấp một khung pháp lý mạnh mẽ để thúc đẩy các chính sách liên quan đến quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, giúp họ vượt qua các rào cản xã hội và tiếp cận các cơ hội phát triển.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 3/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Không chỉ vậy Thủ tướng có sự chỉ đạo trực tiếp “Các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải đi thực tế tận xã phường, làng bản, thôn ấp…mới cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi, thiếu tốn ở những nơi này”.[4]
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với phát triển giáo dục và đào tạo tại các khu vực khó khăn, như vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, và đối với các đối tượng chính sách. Nhiều chính sách và cơ chế đã được ban hành và triển khai nhằm đảm bảo rằng con em đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận giáo dục một cách công bằng và toàn diện. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã ngày càng chứng minh được vai trò tích cực và đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho các khu vực này, góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục bền vững trên phạm vi cả nước.
Nghị định số 57/2017/NĐ-CP có nội dung quy định về chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người. Nghị định quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị định số 57/NĐ-CP được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận giáo dục. Mục tiêu của nghị định là mở rộng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm trẻ em này, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy quyền được giáo dục của họ, giúp họ phát triển một cách đầy đủ và bình đẳng như các dân tộc khác. Nghị định này còn góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em. Việc thực hiện những chính sách này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho trẻ em dân tộc thiểu số mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để họ có thể hòa nhập vào xã hội và phát triển bền vững.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg không chỉ có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em dân tộc thiểu số. Chương trình tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống, giáo dục và y tế cho các trẻ em thuộc nhóm này, giúp họ tiếp cận các dịch vụ cơ bản mà các trẻ em khác có thể dễ dàng nhận được. Về quyền được giáo dục, chương trình cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, đảm bảo rằng trẻ em dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận với giáo dục chất lượng. Điều này không chỉ giúp trẻ em phát triển kiến thức mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh và cơ hội việc làm trong tương lai. Về quyền được chăm sóc sức khỏe, chương trình cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho trẻ em dân tộc thiểu số. Điều này bao gồm việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, chăm sóc dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số. Về quyền được bảo vệ không phân biệt đối xử, hướng tới việc bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số khỏi các hành vi phân biệt đối xử trong xã hội. Việc này rất quan trọng để tạo ra một môi trường lành mạnh, nơi mà trẻ em có thể phát triển mà không phải lo lắng về việc bị xa lánh hoặc phân biệt. Quyết định này là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trong bối cảnh đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/TT-BTC nhằm quy định việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí công từ ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2030. Theo quy định trong thông tư này, trẻ sơ sinh thuộc dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ trong việc sàng lọc và điều trị các bệnh bẩm sinh phổ biến, danh mục do Bộ Y tế quy định. Ngoài ra, mỗi trẻ sẽ nhận được một khoản hỗ trợ đi lại cho việc đến cơ sở y tế để thực hiện sàng lọc, với mức tối đa là 500.000 đồng cho mỗi trường hợp. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, mức hỗ trợ điều trị tối đa là 3 triệu đồng mỗi trẻ, cùng với sự hỗ trợ cho bữa ăn dinh dưỡng, bao gồm cơm ăn liền/cháo dinh dưỡng và sữa học đường tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Mức hỗ trợ cho bữa ăn này lên tới 550.000 đồng mỗi tháng cho mỗi trẻ, và thời gian hỗ trợ được tính dựa trên số tháng trẻ đi học thực tế, không vượt quá 36 tháng cho mỗi trẻ.
Bên cạnh quy định trong nước, các công ước quốc tế cũng được coi là cơ sở pháp lý quan trọng của quyền trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) là một văn kiện quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em trên toàn thế giới, bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số. Sau khi Việt Nam phê chuẩn vào năm 1990 đã cam kết thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em như quyền được sống và phát triển toàn diện, quyền được bảo vệ khỏi các hành vi phân biệt đối xử, quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác… Công ước này không chỉ là một bản cam kết của Chính phủ Việt Nam mà còn là nền tảng cho việc xây dựng các chính sách và chương trình nhằm bảo vệ và phát triển quyền trẻ em trong nước. Thực hiện Công ước cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ thường xuyên đánh giá và điều chỉnh các chính sách để đáp ứng nhu cầu đặc thù của trẻ em dân tộc thiểu số, đảm bảo được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật quốc tế, điều mà Việt Nam đang triển khai hiệu quả.
Kết luận
Trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam đã được hưởng nhiều chính sách tốt đẹp của Nhà nước. Trong thời gian qua, Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều chính sách mới, nhiều chương trình triển khai từ Trung ương tới địa phương, đồng thời có sự tham gia của các thành phần trong xã hội, nhằm đảm bảo rằng tất cả trẻ em luôn được sống, học tập và phát triển trong môi trường an toàn và công bằng. Đặc biệt, việc xây dựng các chính sách pháp lý hiệu quả giúp tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ em dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
Tài liệu tham khảo
[1]. Jessica Kalyanpur, Why is it essential to support ethnic minorities? (Tại sao việc hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số lại quan trọng?): https://www.childrenofthemekong.org/why-is-it-essential-to-support-ethnic-minorities/
[2]. Vanessa Cezarita Cordeiro (2023), Minority Children, Humanium (Trẻ em thiểu số): https://www.humanium.org/en/minority-children/
[3]. Đào Thị Tùng (2020), Bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Thực trạng và những kiến nghị, Tạp chí Cộng sản.
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816728/bao-dam-quyen-hoc-tap-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam---thuc-trang-va-nhung-kien-nghi.aspx#
[4]. Hà Văn (2021), Tạo mọi điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc có cuộc sống, môi trường học tập và rèn luyện tốt hơn: https://thutuong.chinhphu.vn/tao-moi-dieu-kien-cho-con-em-dong-bao-cac-dan-toc-co-cuoc-song-moi-truong-hoc-tap-va-ren-luyen-tot-hon-10939681.htm