Việt Nam - Liên bang Nga hiện thực hóa tiềm năng hợp tác về năng lượng nguyên tử
Hai bên đã tích cực thảo luận các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Ngày 24/9, Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM).
Buổi làm việc là một phần của chuyến thăm từ ngày 23/9 đến 28/9, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phái đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tổng giám đốc ROSATOM, ông Alexey Likhachiov, đã thảo luận các biện pháp nhằm triển khai có hiệu quả và đúng tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Đây là dự án được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký năm 2011 và Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. Trung tâm dự kiến đặt tại Long Kháng, Đồng Nai, có lò phản ứng hạt nhân dạng bể bơi, công suất 10 MW, sử dụng nhiên liệu do Nga chế tạo.
Hiện các chuyên gia đã đánh giá sơ bộ địa điểm xây dựng lò nghiên cứu, cho thấy rất thuận lợi khi cách TP. Long Khánh khoảng 10 km và nằm trên đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối với TP.HCM.
Ngoài ra, trong lộ trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Tập đoàn ROSATOM, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị đưa vào một số nội dung khác như: Hợp tác trong việc hoàn thiện và đưa vào vận hành Mạng Quan trắc phóng xạ và cảnh báo sự cố quốc gia của Việt Nam; phía tập đoàn cần đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt; triển khai thỏa thuận hợp tác, ký kết hợp đồng trong việc chuyển trả nhiên liệu hạt nhân và một số lĩnh vực khác liên quan đến chiếu xạ, y học hạt nhân…
Trước đó, Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga để trao đổi, thảo luận và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác chiến lược trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất cả hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học biển và lĩnh vực khoa học cơ bản. Ngoài ra, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Nga tăng cường trao đổi, hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Nga như công nghệ vật liệu, năng lượng mới, năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano, tự động hóa và chế tạo máy...
Được biết, trong 65 năm hợp tác, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký các Hiệp định, thỏa thuận thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển như: Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác khoa học - công nghệ (1992); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình (2002); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình (2013); Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (2008).
Tháng 11/2014, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về khoa học và công nghệ được nâng lên tầm chiến lược khi hai nước ký Hiệp định đối tác chiến lược về giáo dục, khoa học - công nghệ. Triển khai Hiệp định này, Ủy ban hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga về giáo dục, khoa học - công nghệ đã được thành lập với Đồng Chủ tịch Phân ban ở cấp Thứ trưởng.